Số lượng người trong diện nghèo cùng cực trên toàn thế giới năm nay ước tính sẽ tăng lần đầu tiên sau 22 năm do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo báo cáo năm 2020 về Các mục tiêu Phát triển Bền vững do Vụ Các vấn đề Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc công bố đầu tháng này, tỷ lệ người nghèo cùng cực năm 2020 được dự báo sẽ tăng lần đầu tiên kể từ năm 1998, với mức tăng 0,4 điểm phần trăm lên 29,7%. Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số thế giới có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày có thể sẽ tăng từ 8,2% trong năm ngoái lên 8,8% trong năm nay.
Số liệu ước tính mới nhất này cao hơn so với dự báo ban đầu 7,7% được đưa ra trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo những phân tích cập nhật, báo cáo của cơ quan Liên hợp quốc dự báo khoảng 71 triệu người có nguy cơ rơi trở lại tình cảnh nghèo đói cùng cực trong năm nay khi dịch bệnh lây lan và trở thành nguyên nhân gây suy giảm kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ Cuộc Đại suy thoái trong năm những năm 30 của thế kỷ 20.
Khoảng 58 triệu trong số 71 triệu người là người lao động sống dựa vào các hoạt động kinh tế không chính thức và thu nhập của họ ước tính sẽ giảm khoảng 60% trong tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Số lao động này bao gồm khoảng 32 triệu người tại Nam Á và khoảng 26 triệu người tại khu vực Nam sa mạc Sahara.
Liên hợp quốc thừa nhận trong khi thế giới vẫn chưa "vào guồng" để đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 như đã đặt ra trong Các mục tiêu Phát triển Bền vững trước dịch COVID-19, thì chính đại dịch lần này đã kéo thụt lùi những tiến bộ đạt được trong nhiều năm qua. Một trong những tiến bộ đó là tỷ lệ người nghèo đã cải thiện đáng kể khi giảm từ mức 15,7% trong năm 2010 xuống 10% vào năm 2015.
Báo cáo nhận định thêm rằng tầm quan trọng của các hệ thống bảo trợ xã hội vững mạnh giúp đảm bảo cuộc sống của người nghèo và những người dễ bị tổn thương đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.
[Tỷ lệ người nghèo ở khu vực nông thôn tại Mỹ Latinh tiếp tục tăng]
Ngoài ra, phụ nữ và trẻ nhỏ, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển, cũng là những trường hợp nằm trong nhóm chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo, trong năm 2020, 118 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể ghi nhận tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong tăng 9,8% lên 44,8%, trong khi tỷ lệ tử vong ở thai phụ mang thai trên 6 tháng tăng 8,3% lên 38,6%, nếu việc chăm sóc sức khỏe định kỳ của những trường hợp này bị gián đoạn và cơ hội tiếp cận với nguồn lương thực-thực phẩm giảm.
Báo cáo ghi nhận thêm rằng dịch COVID-19 cũng tác động nghiêm trọng tới lĩnh vực giáo dục, với khoảng 90% trong tổng số học sinh, sinh viên, tương đương khoảng 1,57 tỷ em, không thể đến trường do các cơ sở giáo dục phải đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, và ít nhất 500 triệu học sinh không thể học từ xa, do cứ 5 quốc gia lại có 1 quốc gia không trang bị phương pháp học tập như vậy.
Trong báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres còn nêu rõ dịch COVID-19 đang phơi bày và làm trầm trọng thêm các vấn đề bất bình đẳng và những bất công hiện nay. Do dịch bệnh, cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế và xã hội chưa từng có đang đe dọa tính mạng và sinh kế của con người, đồng thời đặt ra thách thức lớn hơn đối với nỗ lực nhằm đạt được Các mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc./.