LHQ tiếp tục huy động tài chính cho cuộc chiến chống dịch COVID-19

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết vẫn cần thêm 35 tỷ USD để chương trình ACT-A tiếp tục vận hành và đạt ba mục tiêu chính gồm sản xuất được 2 tỷ liều vắcxin, cung cấp 245 triệu đợt điều trị.
Binh lính Nam Phi tiến hành đo kiểm tra thân nhiệt cho người dân. (Ảnh: TTXVN)

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed ngày 28/9 kêu gọi các quốc gia trên thế giới đóng góp 35 tỷ USD còn thiếu nhằm đáp ứng các mục tiêu toàn cầu về sản xuất vắcxin, xét nghiệm và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Mohammed nhấn mạnh cần khẩn trương phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng các phương pháp chẩn đoán cũng như các loại vắcxin ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả.

Bà Mohammed nêu rõ chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với dịch COVID-19 (ACT-A) là giải pháp toàn cầu nhằm giúp thế giới phục hồi và tái thiết sau đại dịch gây tổn thất nặng nề này. Các tổ chức y tế quốc tế, các viện nghiên cứu hàng đầu cùng các quỹ tài trợ và các đơn vị tư nhân đang phối hợp tích cực trong công cuộc nói trên.

Theo Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Mohammed, chương trình ACT-A đã được kích hoạt cách đây năm tháng và đã thu được những thành công nhất định, đơn cử sự ra đời của các phương pháp chẩn đoán nhanh dành các quốc gia thu nhập thấp và trung bình; công cuộc nghiên cứu vắcxin trên diện rộng cũng như việc triển khai Sáng kiến COVAX về tiếp cận toàn cầu vắcxin ngừa COVID-19 với 156 nền kinh tế cam kết tham gia và dự kiến sẽ có thêm nhiều quốc gia khác ủng hộ sáng kiến này...

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng thế giới đang ở thời điểm then chốt trong việc thực hiện chương trình ACT-A và Sáng kiến COVAX, do đó các nhà lãnh đạo, các tổ chức quốc tế và các cơ quan chức năng cần đưa ra những lựa chọn chính trị quan trọng và tạo được đột phá trong việc gây quỹ nhằm gia tăng cơ hội đạt được một giải pháp toàn cầu, từ đó khiến thế giới tiến bước và phát triển thịnh vượng trở lại.

Bà Mohammed cho biết số tiền 3 tỷ USD quyên góp được tính đến nay là một "hạt giống quan trọng" cho giai đoạn khởi động chương trình ACT-A, song hiện vẫn cần thêm 35 tỷ USD để chương trình này tiếp tục vận hành và đạt ba mục tiêu chính gồm sản xuất được 2 tỷ liều vắcxin, cung cấp 245 triệu đợt điều trị và thực hiện được 500 triệu xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh chỉ trong vòng hơn chín tháng, một cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế-xã hội và nhân đạo nghiêm trọng đã và đang bủa vây thế giới, gây tổn thất nặng nề. Do đó, bà kêu gọi các quốc gia cần đoàn kết, phối hợp các nỗ lực nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 và bảo vệ sinh mạng của người dân.

Chương trình ACT-A, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng, ra đời vào ngày 24/4 năm nay hướng tới một giải pháp toàn cầu nhằm tăng tốc công tác đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Chương trình đang huy động tổng cộng 38 tỷ USD để đầu tư vào ba mục tiêu chính gồm nghiên cứu vắcxin (gần 16 tỷ USD); điều trị (hơn 7 tỷ USD) và chẩn đoán (6 tỷ USD) bên cạnh đầu tư cho hoạt động kết nối các hệ thống y tế (9 tỷ USD).

Cho đến nay ACT-A đã huy động được khoảng 3 tỷ USD, trong đó Canada và Pháp hiện là hai nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình này.

[EU và 14 nước ký tuyên bố chung về phân phối công bằng vắcxin COVID-19]

Cùng ngày, WHO và các đối tác thông báo sẽ cung cấp 120 triệu bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Phát biểu họp báo cùng các tổ chức đối tác như Quỹ Chẩn đoán sáng tạo mới (FIND), Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét (UNITAID)..., Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Quỹ Bill & Melinda Gates và hai nhà sản xuất kit xét nghiệm gần đây đã đạt nhiều thỏa thuận, trong đó có việc cung cấp 120 triệu bộ kit xét nghiệm nhanh, mới và dễ sử dụng trong vòng sáu tháng.

Các bộ kit này cho kết quả đáng tin cậy trong khoảng 15-30 phút, thay vì mất nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Kế hoạch này sẽ giúp mở rộng diện xét nghiệm virus SARS-CoV-2, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu vùng xa vốn thiếu các cơ sở xét nghiệm hoặc thiếu đội ngũ y tế được đào tạo bài bản, và tại các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Theo WHO, các bộ xét nghiệm này hiện có giá tối đa khoảng 5 USD/bộ, rẻ hơn đáng kể so với việc thực hiện các xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục