Ngày 24/2, Tổng Giám đốc Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Inger Andersen đã kêu gọi các nước trên thế giới đoàn kết để đạt được một hiệp ước đầy tham vọng liên quan đến việc sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa và xử lý rác thải nhựa, nhấn mạnh cần nắm bắt “cơ hội hiếm có” này để làm sạch hành tinh cho các thế hệ tương lai.
Trao đổi với hãng tin AFP, bà Andersen cho biết nhựa đã trở nên phổ biến đến mức chúng được tìm thấy bên trong cơ thể những con cá ở những khu vực sâu nhất của đại dương hay lơ lửng trong không khí mà con người hít thở.
Do đó, một hiệp ước toàn cầu về sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa đang được đàm phán tại Nairobi (Kenya) "có tiềm năng và hứa hẹn là bước đột phá đa phương về môi trường lớn nhất" kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết vào năm 2015. Bà nhấn mạnh: "Đây là một khoảnh khắc trọng đại... là một thời khắc đi vào sử sách."
Dù còn quá sớm để suy đoán về các chi tiết cụ thể của hiệp ước, song bà Andersen nhấn mạnh rằng việc cố gắng hạn chế nhựa mà không giải quyết tận gốc nguyên nhân là điều "vô ích."
Người đứng đầu UNEP cho rằng việc xác lập các mục tiêu ràng buộc và một khuôn khổ chung sẽ đảm bảo một sân chơi bình đẳng để tạo lòng tin cho các quốc gia và tập đoàn.
Các nguyên tắc toàn cầu trước đây đã loại bỏ dần thủy ngân và các chất làm suy giảm tầng ozon từng phổ biến trong các mặt hàng gia dụng. Điều này chứng tỏ có thể đạt được sự đồng thuận xuyên biên giới và thúc đẩy sự thay đổi trên toàn nền kinh tế.
Khuôn khổ cho một thỏa thuận về sử dụng sản phẩm nhựa mang tính ràng buộc về mặt pháp lý vẫn đang được xây dựng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về môi trường của Liên hợp quốc, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 28/2 tại Nairobi, nơi UNEP đặt trụ sở chính.
Có những đề xuất đang được xem xét nhưng hơn 50 quốc gia đã ủng hộ việc kêu gọi một hiệp ước bao gồm các biện pháp kiểm soát cứng rắn mới đối với nhựa, vốn chủ yếu có nguồn gốc từ dầu và khí đốt.
[OECD: Chỉ 9% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới trong 2021]
Điều này có thể bao gồm các biện pháp áp đặt hạn chế đối với việc sản xuất nhựa mới, hoặc loại bỏ dần các sản phẩm nhựa dùng một lần vốn mất nhiều thế kỷ để phân hủy, gây ô nhiễm các đại dương và đe dọa sinh vật biển.
Các đại biểu họp tại Nairobi dự kiến sẽ thống nhất về khuôn khổ rộng lớn cho một hiệp ước và thành lập một ủy ban đàm phán để hoàn thiện các điều khoản trong một quá trình sẽ mất ít nhất 2 năm.
Trong số các dự thảo hiệp ước đang được thảo luận trước thềm hội nghị, đề xuất về hiệp ước do Rwanda và Peru đưa ra hiện đang thu hút được nhiều sự ủng hộ nhất.
Mỗi năm thế giới sản xuất thêm khoảng 400 triệu tấn nhựa và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040.
Báo cáo được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 22/2 cho thấy trong năm 2021, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000.
Cùng với đó, lượng rác thải nhựa cũng đã tăng hơn gấp đôi, lên 353 triệu tấn. Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn.
Vẫn còn 22% lượng rác thải nhựa được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường.
Báo cáo của OECD cho rằng nhựa góp phần sản sinh ra 3,4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu trong năm 2019, trong đó 90% là từ hoạt động sản xuất nhựa từ nhiên liệu hóa thạch.
OECD kêu gọi thiết lập những chính sách hạn chế việc sử dụng nhựa nói chung, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng quản lý rác thải cơ bản, trong đó cần đầu tư 25 tỷ euro/năm vào những nỗ lực ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình./.