Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 13/6 đã thông qua nghị quyết lên án Israel sát hại người dân thường Palestine.
Nghị quyết do Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ và người Palestine đưa ra này nhận được 120 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 45 trắng. Trong khi đó, dự thảo sửa đổi của Mỹ, trong đó lên án phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine "kích động bạo lực" dọc biên giới Gaza-Israel không giành được đủ 2/3 số phiếu cần thiết để được thông qua.
Nghị quyết lên án Israel sử dụng vũ lực quá đáng và phân biệt đối xử đối với dân thường Palestine, đồng thời kêu gọi có các biện pháp bảo vệ đối với người dân Palestine ở Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng.
Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong vòng 60 ngày phác thảo những đề xuất cho một "cơ chế bảo vệ quốc tế" cho người Palestine ở Gaza và Bờ Tây.
Cơ chế này có thể bao gồm nhiều biện pháp, từ thành lập một sứ mệnh giám sát tới một lực lượng gìn giữ hòa bình thực sự, song bất kỳ phương án hành động nào cũng cần có sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an, nơi Mỹ có quyền phủ quyết.
Các quốc gia Arab ủng hộ nghị quyết này đã "cầu viện" Đại hội đồng Liên hợp quốc sau khi Mỹ dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an để cản trở nghị quyết này hôm 1/6. Khác với Hội đồng Bảo an, các nghị quyết do Đại hội đồng thông qua không có tính ràng buộc và không có phiếu phủ quyết.
[Một quan chức Nam Phi bị sa thải vì phát ngôn liên quan đến Israel]
Phát biểu tại cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley chỉ trích nghị quyết nêu trên là phân biệt đối xử với Israel, đồng thời cáo buộc các quốc gia Arab đang tìm cách ghi điểm chính trị ở trong nước bằng cách lên án Israel tại Liên hợp quốc.
Đại sứ Israel Danny Danon cũng chỉ trích nghị quyết, đồng thời cảnh báo các đại sứ rằng ủng hộ nghị quyết này đồng nghĩa với việc "trao quyền cho Hamas."
Phát biểu tại Đại hội đồng trước thềm cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour khẳng định nghị quyết trên "nhằm mục đích góp phần làm giảm sự leo thang bạo lực," đồng thời nhấn mạnh người Palestine không thể làm ngơ trước "những tội ác bạo lực nhất và những hành động vi phạm nhân quyền" chống lại nhân dân Palestine.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Hadi Sinirlioglu bảo vệ nghị quyết, khẳng định rằng văn bản này "phù hợp với luật pháp quốc tế" và chứng tỏ với người dân Palestine rằng thế giới "quan tâm tới những nỗi thống khổ của họ."
Kể từ cuối tháng 3 đến nay có hơn 120 người Palestin bị Israel sát hại trong các cuộc biểu tình gần biên giới Gaza-Israel.
Ngày có số người thương vong nhiều nhất là 14/5, khi Mỹ chuyển sứ quán tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem./.