LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga-Ukraine

Tại phiên họp đặc biệt lần thứ 11, Đại hội đồng đã nhất trí thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Toàn cảnh phiên bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột Nga-Ukraine ngày 23/2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chiều 23/2 (theo giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết nhân 1 năm ngày nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, tại phiên họp đặc biệt lần thứ 11, Đại hội đồng đã nhất trí thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý nói trên nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine.

[Đại hội đồng LHQ họp phiên đặc biệt nhân 1 năm xung đột Nga-Ukraine]

Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, đại diện của 75 nước đã có các bài phát biểu ngắn, trong đó nhiều nước bày tỏ ủng hộ nghị quyết kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Trước đó, trong Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine trong một năm qua, cũng như trước diễn biến đáng lo ngại gần đây, hậu quả của cuộc xung đột, mất mát to lớn về người và của, cơ sở hạ tầng và tác động tiêu cực đối với khu vực, thế giới và các nỗ lực chung trong thúc đẩy hợp tác quốc tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Trước tình hình đó, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.

Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục