LHQ thông qua 28 nghị quyết về vấn đề chính trị

Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 13/12 đã nhất trí thông qua 28 nghị quyết về các vấn đề chính trị đặc biệt và phi thực dân hóa.
Với đa số phiếu áp đảo, Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 13/12 đã nhất trí thông qua 28 nghị quyết về các vấn đề chính trị đặc biệt và phi thực dân hóa nhằm tiếp tục hoàn tất chương trình nghị sự của khóa 65.

Chín trong số 28 nghị quyết này liên quan đến cuộc xung đột Arập-Israel, trong đó Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 yêu cầu Israel ngừng ngay lập tức và hoàn toàn việc xây dựng các khu định cư trên tất cả các khu vực thuộc lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và ở cao nguyên Golan của Syria.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc đặc biệt quan ngại về các hành động bạo lực, khiêu khích của người định cư Do Thái ở các vùng lãnh thổ Palestine nhằm vào dân thường Palestine và các tài sản của họ, trong đó có cả các khu thánh địa và đất nông nghiệp.

Đại Hội đồng khẳng định các chính sách và hành động định cư của Israel đang phá hoại các nỗ lực nối lại cuộc đàm phán và thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

Các nghị quyết về cuộc xung đột Arập-Israel cũng đề cập đến việc điều tra các hành động của Israel tác động đến quyền con người của người Palestine, về hoạt động của Cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc đối với người tị nạn Palestine.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 đã thông qua 13 nghị quyết về phi thực dân hóa, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự cấp thiết đẩy nhanh tiến trình thực hiện Tuyên bố trao quyền độc lập cho các nước thuộc địa và các dân tộc thuộc địa và Thập kỷ quốc tế thứ 3 loại trừ chủ nghĩa thực dân.

Các nghị quyết về phi thực dân hóa yêu cầu các bên liên quan thể hiện ý chí chính trị để thúc đẩy các cuộc thương lượng phi thực dân hóa các lãnh thổ chưa được trao quyền độc lập như Tây Sahara, Gibranta…, đảm bảo các quyền thông tin của người dân tại các lãnh thổ còn dưới quyền ủy trị của một số nước.

Các nghị quyết được Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 thông qua cũng nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc thúc đẩy một trật tự con người toàn cầu mới, trong đó lo ngại sâu sắc về sự bất bình đẳng dai dẳng và đáng lo ngại giữa người giàu và người nghèo cũng như tác động xấu của hiện tượng này đối với việc thúc đẩy phát triển con người, phúc lợi xã hội và phát huy đầy đủ tiềm năng của con người trên thế giới.

Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc cho rằng các nỗ lực tăng cường phát triển kinh tế một cách bình đẳng là chưa đủ mà còn phải tạo điều kiện cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, được tham gia và được hưởng lợi ích từ các cơ hội kinh tế.

Các nghị quyết được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua cũng đề cập đến các vấn đề đảm bảo sử dụng hòa bình khoảng không vũ trụ, phóng xạ nguyên tử, gìn giữ hòa bình và thông tin công cộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục