LHQ: Thế giới cần đề ra "thỏa thuận toàn cầu mới"

Liên hợp quốc kêu gọi thế giới cần đề ra "một thỏa thuận toàn cầu mới" nhằm xóa bỏ hình mẫu kinh tế cũ đã dẫn đến cuộc khủng hoảng.
Ngày 7/2, Tổng Thư ký Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) Supachai Panitchpakdi khẳng định thế giới cần đề ra "một thỏa thuận toàn cầu mới" nhằm xóa bỏ hình mẫu kinh tế cũ đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế.

Trong báo cáo vừa được công bố với nhan đề "Toàn cầu hóa dẫn đến phát triển: Hướng tới những con đường phát triển toàn diện và bền vững", UNCTAD đã kêu gọi cộng đồng quốc tế áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm cải cách hệ thống tài chính toàn cầu thành một hệ thống cho phép thế giới đạt được tiến bộ kinh tế toàn diện và ổn định hơn.

Ông Supachai nhấn mạnh hệ thống tài chính toàn cầu cần trở lại chức năng bảo đảm an toàn cho các khoản tiết kiệm của người dân và huy động các nguồn cho đầu tư sản xuất. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh giám sát và đề ra quy chế ở tất cả các cấp.

Trước đó, UNCTAD nhận định rằng hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu hiện nay đã cho phép một hệ thống mất cân đối phát triển, trong đó một số người tham gia được hưởng lợi, trong khi tình trạng mất cân đối về tài chính và bất bình đẳng thu nhập toàn cầu gia tăng.

Nhằm nỗ lực chống lại tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng, UNCTAD đã đề ra nhiều biện pháp và cải cách chính sách để hỗ trợ mức sống cho người dân ở các nước đang phát triển và nâng cao khả năng đối phó của các nước trước những cú sốc từ bên ngoài.

Báo cáo của UNCTAD một mặt chỉ rõ hình thức chủ yếu của các mối quan hệ kinh tế quốc tế trong 3 thập kỷ qua là "toàn cầu hóa được thúc đẩy nhờ tài chính", mặt khác cảnh báo các thị trường và các tổ chức tài chính đã trở thành những ông chủ chứ không phải là đầy tớ của nền kinh tế, bóp méo thương mại và đầu tư, làm tăng mức độ bất bình đẳng và đe dọa sự ổn định kinh tế.

Do vậy, hệ thống tài chính cần áp dụng các biện pháp nhằm đa dạng hóa phát triển kinh tế, phù hợp với tạo công ăn việc làm, an ninh lương thực và năng lượng, đồng thời giải quyết mối đe dọa của biến đổi khí hậu.

Theo ông Supachai, trong giai đoạn hiện nay, tái cân bằng kinh tế rất cần một thỏa thuận toàn cầu mới để có thể xóa bỏ những bất bình đẳng ở các nước đã và đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục