LHQ: Sudan trải qua tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong 18 tháng

Liên hợp quốc cho biết cuộc nội chiến ở Sudan, bắt đầu nổ ra từ tháng 4/2023, đang tiếp tục gây ra "tình trạng bạo lực nghiêm trọng và đau khổ" cho hàng triệu dân thường ở quốc gia Đông Bắc Phi này.

Người tị nạn tập trung nhận thức ăn cứu trợ tại thành phố Omdurman, Sudan ngày 1/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người tị nạn tập trung nhận thức ăn cứu trợ tại thành phố Omdurman, Sudan ngày 1/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 12/11, Liên hợp quốc cho biết cuộc nội chiến ở Sudan, bắt đầu nổ ra từ tháng 4/2023, đang tiếp tục gây ra "tình trạng bạo lực nghiêm trọng và đau khổ" cho hàng triệu dân thường ở quốc gia Đông Bắc Phi này.

Liên hợp quốc nêu rõ giữa lúc các cuộc đụng độ giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) bán quân sự ở nước này vẫn diễn biến nguy hiểm, làn sóng tấn công mới nhất ở bang Al-Gazira thuộc miền Đông Sudan đã được đánh dấu bằng "một số vụ bạo lực cực đoan nhất trong 18 tháng qua."

Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 12/11, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị và kiến tạo hòa bình Rosemarie DiCarlo nói rằng Sudan đang "bị mắc kẹt trong một cơn ác mộng."

Bà DiCarlo lên án những hành động tàn bạo gần đây đã gây thương vong lớn cho dân thường nước này cũng như các cuộc tấn công liên tục của RSF và các cuộc không kích bừa bãi của SAF nhắm vào các khu vực đông dân cư, đồng thời kêu gọi các bên đối địch ở Sudan ngừng bắn để bảo vệ dân thường.

Trong khi đó, Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), ông Ramesh Rajasingham cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực đang lan rộng ở Sudan.

Theo ông Rajasingham, các điều kiện đặc biệt đáng lo ngại ở khu vực Darfur và thủ đô Khartoum, nơi hàng nghìn người đã thiệt mạng và tỷ lệ suy dinh dưỡng đang gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em.

Ông nhấn mạnh sự cấp thiết phải cải thiện khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo vì nhiều khu vực xung đột vẫn bị cô lập hoàn toàn hoặc khó tiếp cận do các thủ tục khó khăn.

Ông Rajasingham kêu gọi thúc đẩy một thỏa thuận "tạm ngừng giao tranh vi mục đích nhân đạo" để đưa viện trợ nhân đạo tới các khu vực xung đột, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế cung cấp hỗ trợ tài chính linh hoạt cho các hoạt động cứu trợ và thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn.

Bất chấp các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, cả RSF và SAF vẫn tiếp tục leo thang các hoạt động quân sự.

Kể từ khi xung đột ở Sudan nổ ra vào tháng 4/2023, ít nhất 20.000 người đã thiệt mạng và hơn 33.000 người khác bị thương.

Xung đột đã gây ra cuộc khủng hoảng di dời trầm trọng nhất thế giới với hơn 11 triệu người đã rời bỏ nhà cửa để đến các vùng khác ở Sudan và 3 triệu người tìm nơi ẩn náu ở các quốc gia láng giềng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục