Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại trước sự trì hoãn thực hiện thỏa thuận hòa bình năm 2015 tại Mali, sau khi các cuộc đối thoại chính trị toàn quốc của nước này kết thúc mà không đưa ra những giải pháp rõ ràng.
Trong báo cáo quý về tình hình Mali được chuyển tới các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 2/1, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn sau khi tiến trình đối thoại, bao gồm việc kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử mới, đã thất bại trong việc định ra một hướng đi rõ ràng cho quốc gia Tây Phi này trong thời gian tới.
Theo ông, tình hình bất ổn tại Mali và khu vực Sahel rộng lớn hiện rất đáng báo động khi các nhóm khủng bố đang ngày càng mạnh lên và các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng an ninh quốc tế cũng như sở tại không giảm.
Ông cũng đặc biệt bày tỏ quan ngại về việc trì hoãn thực hiện Hiệp định Hòa bình và Hòa giải 2015 với mục tiêu đảm bảo các nhóm nổi dậy giải giáp và sáp nhập vào lực lượng quân đội Mali.
Số liệu thống kê cho thấy trong giai đoạn từ tháng 10-12/2019 có 193 binh sỹ Mali thiệt mạng trong các vụ tấn công của phiến quân, tăng 116% so với giai đoạn ba tháng trước đó. Cũng trong giai đoạn này đã xảy ra 68 vụ tấn công nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita đã kỳ vọng triệu tập đại diện từ các nhóm vũ trang và chính trị tham dự "cuộc đối thoại quốc gia toàn diện" vào tháng 12 vừa qua nhằm đạt được giải pháp cho xung đột chính trị tại Mali. Tuy nhiên, hầu hết các nhóm đối lập tỏ ra lạnh nhạt với giải pháp trên. Các cuộc đối thoại kết thúc với đề xuất tổ chức bầu cử Quốc hội trước tháng Năm tới và sửa đổi Hiến pháp.
Tình hình an ninh ở Mali đã xuống cấp nghiêm trọng những năm gần đây, trong đó xung đột ở miền Bắc lan xuống miền Trung nước này với ngày càng nhiều vụ bắt cóc, giết hại dân thường.
Trước tình hình này, Hội đồng Bản an Liên hợp quốc đã gia hạn nghị quyết 2480 tiếp tục duy trì sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình tại quốc gia trên cho tới tháng 6/2020 và thông qua một chiến lược bảo vệ thường dân./.