LHQ nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong hỗ trợ người tự kỷ

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề cập đến tầm quan trọng của “các công nghệ hỗ trợ với giá cả phải chăng” trợ giúp những người mắc chứng tự kỷ sống độc lập và thực hiện các quyền con người cơ bản.
LHQ nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong hỗ trợ người tự kỷ ảnh 1(Nguồn: WebMD)

Nhân “Ngày nhận thức về chứng tự kỷ" (2/4), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong việc trợ giúp cuộc sống của những người mắc chứng tự kỷ nhằm phát huy được đầy đủ tiềm năng của họ.

Ông Guterres đề cập tầm quan trọng của “các công nghệ hỗ trợ với giá cả phải chăng” trợ giúp những người mắc chứng tự kỷ sống độc lập và thực hiện các quyền con người cơ bản của họ.

Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc chỉ ra rằng vẫn còn những rào cản lớn đối với việc tiếp cận các công nghệ như vậy, bao gồm giá thành cao, không có sẵn và nhận thức chưa đầy đủ về tiềm năng của các công nghệ hỗ trợ này.

Trong những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận thức rõ về chứng tự kỷ, tình trạng thần kinh ảnh hưởng đến giao tiếp và ứng xử xã hội.

[Video] Công nghệ chẩn đoán nhanh trẻ em mắc chứng tự kỷ

Năm ngoái, người đứng đầu Liên hợp quốc đã đưa ra Chiến lược về công nghệ mới để giúp gắn kết các công cụ này với các giá trị của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các công ước về quyền con người, bao gồm Công ước về Quyền của người khuyết tật.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Ngày nhận thức về chứng tự kỷ thế giới, chúng ta tái khẳng định cam kết đối với các giá trị này, bao gồm bình đẳng, công bằng và hòa nhập; thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của tất cả những người mắc chứng tự kỷ, bằng cách đảm bảo cho họ có các công cụ cần thiết để thực hiện các quyền và tự do cơ bản."

Ông Guterres nêu rõ tăng cường cam kết đối với sự tham gia đầy đủ của những người mắc chứng tự kỷ là một phần quan trọng trong nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm thực hiện mục tiêu cốt lõi của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững: không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cũng nhân dịp này, hãng hàng không giá rẻ Flair Airlines của Canada đã nhận thêm một "danh hiệu" độc đáo - hãng hàng không đầu tiên của khu vực Bắc Mỹ đào tạo các tiếp viên về hội chứng tự kỷ (ASD).

Tất cả các tiếp viên của hãng đã hoàn thành khóa học về cách nhận biết và phục vụ nhu cầu của trẻ bị ASD trên các chuyến bay.

Khóa học được bắt đầu bằng cách xác định các triệu chứng của trẻ tự kỷ, sau đó hướng dẫn các tiếp viên cách để giao tiếp tốt nhất với trẻ tự kỷ.

Người phát ngôn Flair Airlines Julie Rempel cho biết trẻ mắc chứng tự kỷ có rất nhiều vấn đề về giác quan, do đó, việc trải nghiệm các chuyến bay là điều quá sức với trẻ tự kỷ.

Ví dụ, việc phải ngồi trong một không gian kín như trên máy bay là điều cực kỳ khó khăn với trẻ tự kỷ, hoặc trẻ tự kỷ không thích cảm giác thắt dây an toàn. Do đó, việc có được các kỹ năng giúp trẻ trong các tình huống như vậy là rất quan trọng. Hãng rất vui khi có thể hỗ trợ các gia đình đưa trẻ tự kỷ đi du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục