LHQ muốn mở rộng chương trình phát triển Nam-Nam

Liên hợp quốc đã kêu gọi mở rộng các chương trình nghị sự phát triển Nam-Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng của thế giới đang phát triển.
Tại Hội thảo “Sự trỗi dậy của phương Nam và cơ hội cũng như thách thức mới đối với phát triển” vừa diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ), Liên hợp quốc đã kêu gọi mở rộng các chương trình nghị sự phát triển Nam-Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng của thế giới đang phát triển.

Liên hợp quốc nhấn mạnh trong khi thế giới phương Bắc phải mất hàng thập kỷ nữa để điều chỉnh chiến lược sau khủng hoảng, thế giới phương Nam đã vượt qua khủng hoảng tốt hơn nhiều và đang trỗi dậy như là động lực mới của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong thập kỷ qua, nhiều khu vực của thế giới đang phát triển tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển, với các dòng thương mại và đầu tư Nam-Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế và phát triển của các nước đang phát triển không chỉ gắn với các đối tác là các nước phát triển, mà ngày càng gắn với các nước đang phát triển khác, đồng thời thu hẹp nhanh khoảng cách kinh tế và xã hội với các nước phát triển.

Tuy nhiên, tại hội thảo, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) và Trung tâm Phương Nam cảnh báo mặc dù đạt được nhiều thành tựu phát triển trong thập kỷ qua, thế giới phương Nam không thể không chú ý đến thực tế là các nước đang phát triển vẫn dễ bị tổn thương nghiêm trọng trước các cơn sốc kinh tế xã hội toàn cầu.

Ngay cả các nước đang phát triển hàng đầu vẫn phụ thuộc ngày càng lớn vào các nước phát triển trong nhiều lĩnh vực.

Nhiều nhân tố trong tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa toàn cầu và trong thương mại toàn cầu của các nước phương Nam vẫn chịu tác động của cuộc khủng hoảng nợ đang bùng nổ ở thế giới phương Bắc.

Phương Nam vẫn rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong chính sách và điều kiện kinh tế ở các nước phương Bắc.

Hội thảo nhấn mạnh trong bối cảnh này, mở rộng chương trình nghị sự hợp tác và phát triển Nam-Nam ngày càng trở nên cấp thiết.

Vấn đề là làm thế nào để các nước đang phát triển phương Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn trong khi các thị trường truyền thống là các nước phát triển phương Bắc vẫn suy thoái hoặc trì trệ.

Chương trình nghị sự phát triển Nam-Nam được mở rộng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thiết lập quan hệ hợp tác và cố kết giữa các nước đang phát triển trong các lĩnh vực buôn bán, tài chính, công nghệ, đồng thời giúp các nước đang phát triển vượt qua nguy cơ bất đối xứng nổi lên trong tiến trình phát triển bền vững và phổ quát trong thập kỷ tới, đặc biệt trong bối cảnh hoà nhập Nam-Nam không phải là thuốc trị bách bệnh có thể giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế bức xúc nhất của thế giới đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục