LHQ: Mục tiêu kìm hãm đà tăng của nhiệt độ toàn cầu là bất khả thi

LHQ cảnh báo nếu thế giới không lập tức cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên quy mô lớn, mục tiêu kìm hãm mức tăng của nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C sẽ không thể đạt được.
Khói bốc lên tại nhà máy hóa dầu ở Etang de Berre, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên tại nhà máy hóa dầu ở Etang de Berre, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một báo cáo mới về tình trạng biến đổi khí hậu được công bố ngày 16/9 cho thấy mục tiêu kìm hãm mức tăng của nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C sẽ là bất khả thi, nếu thế giới không lập tức cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên quy mô lớn.

Báo cáo mang tên “United in Science 2021” tập hợp các kết luận được đưa ra sau nhiều cuộc điều tra của Liên hợp quốc và các đối tác khoa học của tổ chức này.

Báo cáo được công bố trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow (Vương quốc Anh) đã một lần nữa chỉ ra rằng khí hậu toàn cầu đang biến đổi, với các tác động ngày càng khốc liệt hơn.

Theo tài liệu trên, những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tạm thời khiến lượng khí thải carbon có phần sụt giảm, nhưng điều đó không thể làm chậm lại đà tăng của nhiệt độ toàn cầu.

Trong khi đó, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh COP21 đã kêu gọi thế giới chung tay để giữ cho mức tăng nền nhiệt toàn cầu ở mức thấp hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, trong đó mục tiêu lý tưởng nhất là gần 1,5 độ C.

Báo cáo cho thấy lượng khí thải từ các nhiên liệu hóa thạch đã đạt đỉnh vào năm 2019, song giảm 5,6% trong năm 2020 do các nước ban bố lệnh hạn chế để phòng dịch COVID-19 dẫn đến suy thoái kinh tế tại nhiều nơi.

Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực hàng không và vận tải biển, lượng khí thải toàn cầu trung bình trong 7 tháng đầu năm 2021 vẫn đang ở mức tương đương của năm 2019.

[Cảnh báo khẩn về biến đổi khí hậu từ đợt mưa lũ nghiêm trọng ở Tây Âu]

Báo cáo cũng đồng thời chỉ ra rằng mật độ của các loại khí chính gây hiệu ứng nhà kính - là carbon dioxide, methane và nitrous oxide - vẫn tiếp tục tăng trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021.

Nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021 ước tính cao hơn 1,06 độ C đến 1,26 độ C so với mức tiền cách mạng công nghiệp (1850-1900).

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, tài liệu khoa học trên là "một đánh giá đáng báo động về việc chúng ta đang đi lệch hướng" trên con đường thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris.

Ông nêu rõ: "Năm nay, thế giới đã chứng kiến lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch tăng trở lại, mật độ khí nhà kính tiếp tục tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do con người góp phần tác động đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống và sinh kế của người dân ở mọi lục địa. Chỉ khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được cắt giảm ngay lập tức, một cách nhanh chóng và trên quy mô lớn, mức tăng của nền nhiệt toàn cầu mới có thể giới hạn ở 1,5 độ C, đồng thời giảm thiểu những thảm họa xảy đến với con người và hành tinh này."

COP26 sẽ được tổ chức tại Glasgow từ ngày 31/10 đến ngày 12/11 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục