Ngày 27/6, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cho biết hiện Liên hợp quốc mới chỉ huy động được 15% trong tổng số tiền 3,8 tỷ USD cần để triển khai kế hoạch viện trợ nhân đạo cho 30 triệu người tại khu vực Sahel (gồm 9 quốc gia Senegal, Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Tchad, Sudan và Eritrea).
Ông Dujarric nhấn mạnh số người cần viện trợ hiện cao hơn gần 2 triệu người so với cách đây một năm. Dự báo từ tháng 6-8 năm nay, hơn 18,6 triệu người - chiếm 15% trong tổng dân số khu vực Sahel - sẽ lâm vào tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Trong số này, có 2,1 triệu người phải chịu cảnh mất an ninh lương thực ở mức khẩn cấp.
Ông Dujarric cho biết thêm Liên hợp quốc ghi nhận hơn 6,3 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột vũ trang. Nhiệt độ ngày càng tăng đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng này.
[Niger đánh giá bi quan về lực lượng chống thánh chiến G5 Sahel]
Nhiệt độ tại khu vực Sahel đang tăng nhanh hơn 1,5 lần so với mức tăng nhiệt trung bình toàn cầu. Trong giai đoạn 2015-2021, số lượng các trận lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoạn đã tăng gần 2 lần.
Theo ông Dujarric, tháng trước, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) Martin Griffiths đã giải ngân 30 triệu USD trong Quỹ ứng phó khẩn cấp trung ương (CERF) để nâng quy mô viện trợ nhân đạo tại khu vực Sahel lên gần 100 triệu USD trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Dujarric nhấn mạnh những quỹ khẩn cấp này được sử dụng để "kích hoạt" các biện pháp ứng phó và không thể thay thế được những khoản đóng góp của các nhà tài trợ./.