LHQ lên án vụ tấn công vào lực lượng gìn giữ hòa bình ở Mali

Ông Guterres kêu gọi chính quyền Mali cũng như các nhóm vũ trang ký kết thỏa thuận hòa bình, bằng mọi cách xác định thủ phạm của vụ tấn công để có thể sớm đưa chúng ra trước công lý.
Các binh sỹ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Mali tuần tra tại thị trấn Konna, Mali. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố ở Mali khiến 10 nhân viên Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đến từ Chad thiệt mạng và ít nhất 25 người khác bị thương.

Vụ tấn công khủng bố trên diễn ra cùng ngày nhằm vào doanh trại của Lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc Phái bộ ổn định Liên hợp quốc ở Mali (MINUSMA) tại Aguelhok, thuộc khu vực Kidal, miền Bắc Mali.

Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết cuộc tấn công của những kẻ khủng bố đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của lực lượng thuộc MINUSMA và một số kẻ tấn công đã bị tiêu diệt.

Tổng Thư ký Guterres đã gửi lời chia buồn chân thành đến Chính phủ Chad và gia đình các nhân viên lực lượng gìn giữ hòa bình bị thiệt mạng và mong muốn những người bị thương nhanh chóng phục hồi; đánh giá cao sự cống hiến và lòng can đảm của các nhân viên Lực lượng gìn giữ hòa bình tại MINUSMA.

[Tấn công nghiêm trọng nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Mali]

Ông Guterres kêu gọi chính quyền Mali cũng như các nhóm vũ trang ký kết thỏa thuận hòa bình, bằng mọi cách xác định thủ phạm của vụ tấn công trên để có thể sớm đưa chúng ra trước công lý.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh các cuộc tấn công nhằm vào Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có thể cấu thành tội ác chiến tranh theo luật pháp quốc tế. Đồng thời, ông khẳng định “những hành động khủng bố sẽ không làm giảm quyết tâm của Liên hợp quốc hỗ trợ người dân và chính phủ Mali trong việc xây dựng một đất nước hòa bình và ổn định."

Người đứng đầu MINUSMA tại Mali, ông Mahamat Saleh Annadif cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công. “Cuộc tấn công liên hoàn và hèn nhát này cho thấy những kẻ khủng bố quyết tâm tìm cách gieo rắc sự hỗn loạn. Điều này đòi hỏi phải có một phản ứng mạnh mẽ, ngay lập tức và phối hợp từ các lực lượng để tiêu diệt các mối đe dọa của khủng bố ở Sahel.”

Sau cuộc đảo chính thất bại ở Mali vào năm 2013, các nhóm vũ trang gia tăng các hoạt động bạo lực chống lại quân chính phủ và đồng minh ở khu vực trung tâm và miền Bắc của Mali.

Các cuộc tấn công vũ trang đã khiến cho việc thực hiện nhiệm vụ của các nhân viên lực lượng Giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc ở MINUSMA trở nên nguy hiểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục