Ngày 22/9, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã bắt đầu Phiên thảo luận cấp cao Khóa 69 bằng việc khai mạc Hội nghị Toàn cầu lần thứ nhất về người bản địa.
Tham dự hội nghị có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng hơn 1.000 đại biểu là các quan chức cấp cao của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này, các nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ và những người dẫn đầu đoàn đại biểu các nước cùng đông đảo các nhà ngoại giao của 193 quốc gia thành viên đang làm việc tại Liên hợp quốc, trong đó có các đại diện của Việt Nam, và giới học giả, báo chí....
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết kéo dài trong hai ngày, hội nghị sẽ thảo luận và tìm biện pháp để tăng cường hơn nữa quan hệ giữa các chính quyền địa phương với người bản địa, và thúc đẩy tối đa việc bảo vệ các quyền và lợi ích của họ.
Theo ông, ở mọi nơi, người bản địa đang phải đối mặt với các vấn đề, và những khó khăn, thách thức chung của nhân loại, và việc giải quyết những vấn đề này đang là nhiệm vụ cấp bách, mang tính toàn cầu của Liên hợp quốc.
Ông Ban Ki-moon cho rằng những vấn đề lớn nhất mà người bản địa đang gặp phải là việc thực hiện đầy đủ quyền con người và thúc đẩy phát triển, vì thế, những biện pháp được thông qua tại hội nghị này sẽ là văn kiện vô cùng quan trọng góp phần giải quyết những vấn đề chung của nhân loại, đưa con người tới cuộc sống bình đẳng và thịnh vượng hơn.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết hiện nay trên thế giới có khoảng 370 triệu người bản địa, chiếm khoảng 5% dân số toàn cầu, đang sinh sống ở hơn 90 quốc gia, song trong số đó, có rất nhiều người bị phân biệt chủng tộc, và phải sống trong cảnh bần hàn.
Nhiều người bản địa bị thu hồi đất đai, phương tiện sản xuất một cách vô cớ, bị đẩy khỏi nơi chôn nhau, cắt rốn, rồi bị làm mai một có chủ đích đời sống văn hóa, tinh thần, phong tục tập quán, phương thức thờ tự và trang phục truyền thống....
Trước thực tế đó, ngày 9/8/1982, lần đầu tiên Liên hợp quốc đã thiết lập Nhóm làm việc về người bản địa, và kể từ đó, nhóm này đã rất thành công trong việc thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề của người bản địa.
Tiếp đó, Liên hợp quốc lần đầu tiên tuyên bố năm 1993 là Năm của người bản địa, và chỉ một năm sau, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đưa ra Chương trình 10 năm vì người bản địa, và vào năm 2007, lịch sử đấu tranh vì sự bình quyền và phát triển của người bản địa đã thực sự sang trang mới khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền của người bản địa.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết ông rất tự hào khi tuyên bố này được thông qua đúng vào thời điểm ông nhận nhiệm vụ cao cả với tư cách là người đứng đầu Liên hợp quốc nhiệm kỳ thứ nhất.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục thực hiện triệt để tuyên bố trên, bao gồm bảo vệ các quyền con người, các quyền tự do của người bản địa, trong đó có quyền giữ gìn và phát triển nền văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục, tập quán và các quyền giữ gìn đất đai cùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của người bản địa.
Ngoài ra, theo ông, tuy đây là văn kiện không có tính rằng buộc pháp lý, song các quốc gia vẫn phải triệt để tôn trọng quyền của các cộng đồng người bản địa, tạo điều kiện cho họ được tham gia đầy đủ vào đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa, xã hội tại những nơi họ sinh sống./.