Ngày 7/9, Liên hợp quốc đã bác bỏ lời kêu gọi hoãn Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), dự kiến diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11 tới.
Trước đó cùng ngày, một mạng lưới toàn cầu gồm hơn 1.500 tổ chức phi chính phủ (NGO) về khí hậu đã kêu gọi Anh hoãn COP26. Lý do đưa ra là vấn đề thiếu vaccine ngừa COVID-19 có thể khiến các nước đang phát triển bị gạt ra ngoài lề sự kiện toàn cầu này.
Phó phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết: “Hiện tại không có thay đổi nào được lên kế hoạch, nhưng chúng tôi hiểu những lo ngại này.”
[Biến đổi khí hậu: Mỹ nỗ lực tạo động lực trước thềm COP26]
Ông Farhan Haq nhấn mạnh: “Cộng đồng khoa học toàn cầu đã làm rõ rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính khẩn cấp toàn cầu. Chỉ khi có một bước đi lớn và hành động khẩn cấp mới có thể đạt các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và bảo vệ các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương nhất khỏi các tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu.”
Ông Farhan Haq cũng trấn an rằng các cơ quan của Liên hợp quốc đang phối hợp với London để “đảm bảo một hội nghị COP an toàn và mang tính toàn diện nhất có thể, bao gồm cả việc cung cấp vaccine cho tất cả đại biểu tham gia và thanh toán mọi chi phi cách ly.”
Phát biểu với báo giới, Chủ tịch COP Alok Sharma cho biết một báo cáo khoa học công bố gần đây của Liên hợp quốc cho thấy lý do COP26 cần phải diễn ra vào tháng 11 tới "để các lãnh đạo thế giới ngồi vào bàn và đưa ra các cam kết mang tính quyết định nhằm chống biến đổi khí hậu.”
Ông Alok Sharma cũng nhắc lại rằng hội nghị này đã từng phải hoãn một lần từ tháng 11/2020.
Chủ tịch Sharma cho biết thêm rằng COP đang phối hợp không ngừng nghỉ với tất cả các đối tác để đảm bảo một hội nghị an toàn, toàn diện và có thể tiếp cận tại Glasgow.
Theo các nhà khoa học, trong 3 tháng qua, khu vực Bắc bán cầu đã vật lộn với các hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng thấy do Trái đất đang nóng lên.
Những đợt nắng nóng chết người ở nhiều nơi tại Bắc Mỹ và châu Âu, những trận lụt chưa từng thấy ở Tây Âu, Trung Quốc và Mỹ, những vụ cháy rừng ở khắp lòng chảo Địa Trung Hải và bang California (Mỹ)... tất cả đều nghiêm trọng hơn trước do sự nóng lên toàn cầu.
Về phần mình, nước chủ nhà Anh cũng cho rằng khủng hoảng khí hậu mang tính khẩn cấp cao nên không thể trì hoãn hội nghị. Anh cho biết sẽ trả mọi chi phí cho các phái đoàn bị cách ly khi đến dự hội nghị và đã đề xuất cung cấp vaccine.
Trước đó, trong lời kêu gọi của mình, tổ chức NGO Mạng lưới Hành động khí hậu (CAN) cảnh báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng cao, việc phân phối vaccine trên toàn cầu chưa công bằng và những yêu cầu nghiêm ngặt về cách ly đối với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trong “danh sách đỏ” muốn tham dự hội nghị của Liên hợp quốc sẽ đồng nghĩa với việc “không thể có được một hội nghị khí hậu toàn cầu an toàn, toàn diện và đúng đắn.”
Giám đốc điều hành CAN Tasneem Essop bày tỏ: “Lo ngại của chúng tôi là những nước bị ảnh hưởng nhất của khủng hoảng khí hậu và không được các nước giàu hỗ trợ cung cấp vaccine sẽ bị bỏ lại phía sau.”
CAN cũng nhấn mạnh rằng việc kêu gọi hoãn COP26 không phải là tẩy chay hội nghị này. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các nhà lãnh đạo chính trị đưa ra các mục tiêu khí hậu quốc gia đầy tham vọng, thực hiện trách nhiệm của mình về tài chính khí hậu và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.”
Về phần mình, người đứng đầu tổ chức tư vấn Power Shift Africa, có trụ sở tại Nairobi (thủ đô Kenya), ông Mohamed Adow cho biết: “Một hội nghị biến đổi khí hậu mà không có tiếng nói của những người bị ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu sẽ không đạt mục đích.”
Ông Adow nói thêm rằng: “Nếu COP26 diễn ra theo kế hoạch, tôi e rằng chỉ có các nước giàu và NGO từ các nước này được tham dự.”
Phản ứng về việc CAN thống kê rằng đến nay nhiều phái đoàn đăng ký dự hội nghị vẫn chưa được tiêm phòng, Chính phủ Anh cho biết việc tiêm phòng sẽ bắt đầu trong tuần này và dù cần chờ 4 tuần giữa hai mũi tiêm, vẫn còn đủ thời gian để tiêm đủ hai mũi trước ngày 31/10./.