LHQ kêu gọi Yemen nhanh chuyển giao quyền lực

LHQ kêu gọi các phe phái ở Yemen nhanh chóng đạt một thỏa thuận chính trị nhằm chuyển giao quyền lực và chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Ngày 14/11, ông Jamal Benomar, đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen, đã kêu gọi tất cả các phe phái chính trị của nước này nhanh chóng đạt một thỏa thuận chính trị nhằm chuyển giao quyền lực và chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 10 tháng qua.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Sanaa trong chuyến thăm Yemen, ông Benomar cho biết: "Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã gửi một thông điệp rõ ràng của cộng đồng quốc tế rằng đã đến lúc tất cả các phe phái chính trị của Yemen nên đẩy nhanh tiến trình đạt một thỏa thuận chính trị và bắt đầu chuyển giao quyền lực."

Ông Benomar tới Yemen từ ngày 10/11 để giám sát việc thực thi Nghị quyết 2014 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua tháng trước và sẽ báo cáo lại với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon vào ngày 21/11 tới.

Tại Yemen, ông đã có các cuộc tiếp xúc với Phó Tổng thống Yemen Mansour Hadi, Ngoại trưởng Abu Bakr al-Qerbi và các đại diện của đảng cầm quyền cũng như liên minh đối lập JMP.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Saba của Yemen, ông Benomar cho biết 85% bất đồng giữa đảng cầm quyền và phe đối lập đã được giải quyết.

Theo một thỏa thuận do Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đề xuất và được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh sẽ chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Hadi và từ chức trong vòng 30 ngày sau khi ký thỏa thuận, để đổi lại quyền miễn truy tố.

Ông Hadi sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc do phe đối lập lãnh đạo và tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày sau đó.

JMP đã ký vào sáng kiến này từ hồi tháng Năm, trong khi ông Saleh đến nay vẫn từ chối ký.

Trong diễn biến mới nhất ngày 14/11, Tổng thống Saleh cho biết ông sẽ từ chức trong vòng 90 ngày sau khi đạt thỏa thuận về một cơ chế cho việc thực thi sáng kiến chuyển giao quyền lực của GCC, và cam kết sẽ ký vào sáng kiến này.

Phản ứng về việc này, JMP cáo buộc ông Saleh đặt điều kiện như vậy để trì hoãn quá trình chuyển giao quyền lực.

Tại Yemen, các cuộc biểu tình phản đối 33 năm cầm quyền của Tổng thống Saleh, từ đầu năm nay, vẫn diễn ra hàng ngày.

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gây bạo động này đến nay đã làm hàng nghìn người thiệt mạng và bị thương, tình hình an ninh rối loạn và kinh tế trì trệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục