LHQ kêu gọi xem xét lại thỏa thuận Nhật-Hàn về "phụ nữ mua vui"

Liên hợp quốc cho rằng thỏa thuận về vấn đề "phụ nữ mua vui" cần được thảo luận lại và sửa đổi để đảm bảo rằng những nạn nhân là phụ nữ mua vui còn sống sót sẽ được bồi thường về tài chính.
Bức tượng cô gái trẻ tượng trưng cho những người phụ nữ bị ép buộc mua vui cho binh sỹ Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai bên ngoài Lãnh sự quán Nhật Bản ở Busan. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Ủy ban Chống tra tấn của Liên hợp quốc đã kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc cùng xem xét lại thỏa thuận năm 2015 mà hai nước này đã ký, liên quan đến vấn đề "phụ nữ mua vui."

Báo cáo công bố ngày 12/5 của ủy ban trên nêu rõ thỏa thuận về vấn đề "phụ nữ mua vui" cần được thảo luận lại và sửa đổi để đảm bảo rằng những nạn nhân là phụ nữ mua vui trong Chiến tranh Thế giới II còn sống sót sẽ được bồi thường về tài chính, phục hồi nhân phẩm và đảm bảo sẽ không còn gây tranh cãi.

Theo thỏa thuận ký năm 2015, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí giải quyết "triệt để và dứt điểm" vấn đề "phụ nữ mua vui" - nguyên nhân gây căng thẳng ngoại giao giữa hai nước trong một thời gian dài.

Chính phủ Nhật Bản đã xin lỗi tất cả nạn nhân từng phải chịu đựng những tổn thương về thể xác và tinh thần. Trong năm 2016, Tokyo cũng đã thông qua một quỹ hỗ trợ của Hàn Quốc, chuyển 1 tỷ yen (tương đương 8,9 triệu USD) tới nạn nhân là "phụ nữ mua vui" và gia đình họ.

Ước tính có hơn 200.000 phụ nữ, phần lớn là phụ nữ trên Bán đảo Triều Tiên, đã bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh sỹ phátxít Nhật trong giai đoạn từ năm 1910 đến 1945.

Trước đó, trong một cuộc điện đàm ngày 11/5 với tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi thỏa thuận nói trên. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Seoul lại ngụ ý về khả năng xóa bỏ thỏa thuận này, khẳng định rằng hầu hết người Hàn Quốc không chấp nhận một thỏa thuận như vậy.

Bên cạnh đó, tân Tổng thống Moon Jae-in cũng khẳng định vấn đề lịch sử không cản trở quan hệ giữa 2 nước cũng như nỗ lực chung trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Theo ông, 2 nước phải nhìn nhận một cách thẳng thắn về vấn đề mang tính lịch sử này, do đó những thỏa thuận liên quan đến quá khứ sẽ không thể trở thành rào cản khi mà hai nước đang hướng đến mối quan hệ phát triển hơn trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục