LHQ kêu gọi tiếp tục các nỗ lực bảo vệ tầng ozon

Những nỗ lực toàn cầu đã giúp chấm dứt tình trạng suy giảm tầng ozon, tuy nhiên việc bảo vệ "lá chắn" của Trái Đất vẫn cần tiếp tục.
Những nỗ lực toàn cầu trong thời gian qua đã giúp chấm dứt tình trạng suy giảm tầng ozon, tuy nhiên cộng đồng quốc tế vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực để bảo vệ "lá chắn" này của Trái Đất.

Nhân Ngày quốc tế Liên hợp quốc bảo vệ tầng ozon, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Khí tượng thế giới của LHQ (WMO) vừa công bố báo cáo nhấn mạnh những nỗ lực toàn cầu cho đến nay đã giúp chấm dứt tình trạng suy giảm tầng ozon, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn cần tiếp tục các nỗ lực  này để bảo vệ an toàn "lá chắn" của sự sống trên Trái Đất.

Giám đốc chấp hành UNEP, Achim Steiner, cho biết các nỗ lực bảo vệ tầng ozon trong nhiều năm qua không chỉ thành công mà còn tiếp tục đem lại những lợi ích gấp bội cho nền kinh tế thế giới, trong đó có tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ các loại bệnh xã hội vào năm 2015.

Báo cáo khẳng định tầng ozon không bị phá hủy thêm nữa đã tránh cho nhân loại hàng chục triệu ca bệnh ung thư da và đục nhân mắt do tiếp xúc với tia cực tím của ánh sáng Mặt Trời, đồng thời cũng giúp giảm tác động hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng lên.

Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế Liên hợp quốc bảo vệ tầng ozon, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định Nghị định thư Montrean, được phê chuẩn toàn cầu năm 2009, là “bằng chứng tuyệt vời” cho những nỗ lực quốc tế kể trên với mục tiêu rõ ràng và cách tiếp cận từng bước.

Việc các bên tuân thủ nghị định thư ở cả cấp quốc gia và toàn cầu đã giúp cắt giảm sản xuất và tiêu dùng tới hơn 98% các hóa chất phá hoại tầng ozon.

Tầng ozon trên toàn cầu chẳng những không bị suy giảm thêm, mà khu vực tầng ozon bị suy giảm lớn nhất trước đây là các cực của Trái Đất, dự kiến vào giữa thế kỷ này sẽ được phục hồi như mức trước năm 1980.

Theo tính toán của UNEP, nếu không có Nghị định thư Montrean và Công ước Vienna nhằm bảo vệ tầng ozon, tác động của các chất phá hoại tầng ozon có thể tăng lên gấp 10 lần vào năm 2050 và sẽ  dẫn tới những hậu quả nặng nề. Đó là số ca ung thư da sẽ tăng thêm 20 triệu, thêm 130 triệu người bị bệnh đục nhân mắt, cùng những tác hại không thể dự báo trước đối với hệ miễn dịch của con người, đời sống hoang dã và nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục