Cộng đồng quốc tế cần xem xét các cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay trên toàn cầu với "sự đồng cảm và tình đoàn kết", cũng như tăng cường hỗ trợ cho những người đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (Đại hội đồng Liên hợp quốc) Csaba Korosi ngày 6/12 đã đưa ra lời kêu gọi trên trong phiên họp toàn thể về việc tăng cường phối hợp hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, trong đó có hỗ trợ kinh tế đặc biệt.
Phát biểu tại phiên họp, ông Korosi kêu gọi xem xét nhu cầu của những người xung quanh với "lòng cảm thông và tình đoàn kết."
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc dẫn báo cáo đánh giá nhu cầu nhân đạo toàn cầu năm 2023 của Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh có tới 339 triệu người trên thế giới đang cần được hỗ trợ, cao hơn so với 235 triệu người năm 2021.
Ngoài ra, 103 triệu người (chiếm hơn 1% dân số toàn cầu) bị buộc phải rời bỏ nhà cửa. Bạo lực giới, quấy rối tình dục và phân biệt đối xử, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái, ở mức đặc biệt đáng báo động.
Ông Korosi cho rằng Đại hội đồng Liên hợp quốc cần nỗ lực hơn nữa trong bối cảnh các nguồn lực eo hẹp khi đáp ứng các nhu cầu của hàng triệu người trong số 8 tỷ người trên Trái Đất. Theo ông, một trong những "cách nhanh nhất và hiệu quả nhất" để đối phó với tình trạng này là thông qua Quỹ Ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc (CERF).
Ông nêu rõ: "Đầu tư vào Quỹ Ứng khó khẩn cấp là đầu tư vào con người. Cam kết cơ bản của quỹ này là tài trợ cho tất cả mọi người". Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh các đối tác phát triển, thể chế tài chính quốc tế và khu vực tư nhân đều có vai trò trong việc giảm thiểu rủi ro.
[LHQ: Hơn 28 triệu người Afghanistan cần được cứu trợ trong năm 2023]
Trong báo cáo tổng quan về tình hình nhân đạo toàn cầu năm 2023 công bố ngày 1/12, Liên hợp quốc đã kêu gọi tài trợ khẩn cấp ở mức kỷ lục 51,5 tỷ USD cho năm 2023, trong bối cảnh các cuộc xung đột trên thế giới, tình trạng khẩn cấp về khí hậu và dịch bệnh vẫn "âm thầm" hoành hành, đẩy thêm nhiều người rơi vào khủng hoảng và một số người có nguy cơ bị thiếu ăn.
Liên hợp quốc cảnh báo các cuộc khủng hoảng chồng chéo đã khiến thế giới phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu lớn nhất trong lịch sử hiện đại."
Ít nhất 222 triệu người ở 53 quốc gia có nguy cơ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào cuối năm nay, trong đó 45 triệu người đối mặt nguy cơ chết đói. Theo người đứng đầu Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) Martin Griffiths, hiện 5 quốc gia gồm Afghanistan, Ethiopia, Haiti, Somalia và Nam Sudan đang trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng "không khác gì nạn đói"./.