LHQ kêu gọi hành động để tránh một khủng hoảng lương thực

IFAD nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phải hành động ngay lập tức để tránh đại dịch COVID-19 khiến một khủng hoảng lương thực xảy ra.
LHQ kêu gọi hành động để tránh một khủng hoảng lương thực ảnh 1Công nhân chuyển lương thực cứu trợ cho người tị nạn Palestine tại trại tị nạn ở Gaza, ngày 31/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc ngày 20/4 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để tránh một cuộc khủng hoảng lương thực xảy ra do tác động của COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, IFAD cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể tiếp tục tác động xấu đến người nông dân và cộng đồng dân cư ở nông thôn, đẩy hàng triệu người vào tình trạng nghèo đói và nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phải hành động ngay lập tức để tránh đại dịch COVID-19 khiến một khủng hoảng lương thực xảy ra.

Chủ tịch quỹ IFAD Gilbert F. Houngbo cho rằng “hậu quả từ dịch bệnh COVID-19 có thể đẩy các gia đình ở khu vực nông thôn rơi vào tình trạng nghèo, đói ăn và tuyệt vọng hơn. Đó là một mối đe dọa thực sự đối với sự thịnh vượng và ổn định toàn cầu.

Với việc hành động ngay lập tức, chúng ta có thể cung cấp cho người dân ở khu vực nông thôn các công cụ để thích nghi và đảm bảo phục hồi nhanh chóng, ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.”

Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu kéo theo sự suy thoái kinh tế đang đe dọa đến cuộc sống và sinh kế của những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

IFAD đã dành 40 triệu USD để hỗ trợ người nghèo ở khu vực nông thôn và ra lời kêu gọi khẩn cấp với mục tiêu huy động thêm ít nhất 200 triệu USD từ các quốc gia thành viên, các quỹ và khu vực tư nhân.

IFAD cho biết số tiền gây quỹ cần thiết để hỗ trợ cho những người nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn tiếp tục sản xuất và bán thực phẩm, giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với sản xuất lương thực, tiếp cận thị trường và việc làm ở khu vực nông thôn.

[Ngăn chặn khủng hoảng lương thực toàn cầu do dịch COVID-19]

IFAD đang cân nhắc khả năng sẽ cho phép người nông dân tại các quốc gia dễ bị tổn thương nhất có thể tiếp cận kịp thời đầu vào sản xuất, thông tin, thị trường và tính thanh khoản.

IFAD cho rằng lệnh phong tỏa ở các nước nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19 khiến nhiều nông dân sản xuất quy mô nhỏ không thể tiếp cận thị trường để bán các sản phẩm hoặc mua hàng hóa, như hạt giống hoặc phân bón.

Việc đóng cửa các tuyến giao thông chính và cấm xuất khẩu của các nước cũng có khả năng tác động xấu đến hệ thống lương thực.

IFAD đánh giá khi toàn bộ chuỗi sản xuất bị gián đoạn và tình trạng thất nghiệp gia tăng, những người dễ bị tổn thương nhất là lao động công nhật, người buôn bán nhỏ và lao động phi chính thức.

Việc các công nhân bị mất việc làm tại thành phố do nhà máy đóng cửa và trở về nhà sẽ gây thêm áp lực cho các hộ gia đình ở khu vực nông thôn.

Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, có khoảng 80% người nghèo nhất và những người bấp bênh về thực phẩm nhất trên thế giới sống ở khu vực nông thôn. Ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 chưa bùng phát, hơn 820 triệu người trên thế giới sống trong hoàn cảnh đói ăn hằng ngày.

Một nghiên cứu gần đây của đại học Liên hợp quốc đã cảnh báo trong trường hợp xấu nhất, tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 có thể đẩy thêm nửa tỷ người vào tình trạng nghèo đói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục