Ngày 3/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi Qatar cùng các nước láng giềng giải quyết những khác biệt một cách êm thấm đồng thời khẳng định tổ chức này sẽ không can thiệp vào tranh chấp giữa các bên.
Đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất, người nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng này, cho rằng cách tốt nhất và duy nhất là các quốc gia liên quan tìm một giải pháp thông qua đối thoại và tham vấn. Trung Quốc sẽ hoan nghênh mọi biện pháp có thể thực hiện để "sửa chữa" những bất cập hiện tại và nối lại quan hệ hữu nghị giữa Qatar và các nước láng giềng.
Hôm 30/6, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã gặp đại diện các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về tình trạng quan hệ bất ổn với các nước láng giềng Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập.
[Qatar phản hồi Kuwait về bản yêu sách của các nước Arab và vùng Vịnh]
Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Qatar Al-Thani đã yêu cầu các thành viên Hội đồng Bảo an kêu gọi các quốc gia láng giềng do Saudi Arabia đứng đầu dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng không phận và các đường vận tải khác kết nối với Qatar.
Những diễn biến mới trong quan hệ giữa các quốc gia vùng Vịnh luôn là mối quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Cùng ngày, trả lời họp báo chung với người đồng cấp Saudi Arabi Abdel al-Jubeir trong khuôn khổ chuyến thăng vùng Vịnh, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng một thỏa thuận xuyên khu vực về ngăn chặn tài trợ "chủ nghĩa khủng bố" sẽ là chìa khóa tháo gỡ tình hình căng thẳng giữa Qatar và các quốc gia Arập láng giềng.
Ông Gabriel khẳng định không có quốc gia nào có ý định tài trợ cho khủng bố mà hành động này chủ yếu do các cá nhân thực hiện vì vậy phải có biện pháp cụ thể để ngăn chặn tài trợ cho các tổ chức Hồi giáo cực đoạn và khủng bố trên cấp độ khu vực.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã điện đàm với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shourky để thảo luận về diễn biến tình hình căng thẳng vùng Vịnh cũng như quan hệ song phương.
Bốn nước láng giềng của Qatar gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar hồi tháng trước với cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố đồng thời ra bản "yêu sách" gồm 13 điểm yêu cầu Doha cắt đứt quan hệ với Iran, đóng cửa hãng truyền hình Al- Jazeera và chấm dứt ủng hộ khủng bố.
Phía Doha vẫn luôn phủ nhận mọi cáo buộc của các quốc gia láng giềng. Ngày 3/7, Ngoại trưởng Qatar đã trao bức thư tay của Tiểu vương Qatar cho tiểu vương Kuwait, quốc gia đảm nhận vai trò trung gian xoa dịu căng thẳng, trong đó nêu rõ những phản hồi của Doha với những yêu cầu từ các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, nội dung bức thư này vẫn chưa được công bố./.