LHQ kêu gọi G20 chung tay để đạt mục tiêu mới về tài chính khí hậu

Quan chức LHQ cho rằng các nhà lãnh đạo G20, bao gồm các nền kinh tế hàng đầu và cũng là các nước có lượng phát thải lớn, cần xem xét vấn đề tài chính khí hậu khi họp tại Brazil.

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm 2024 sẽ diễn ra ở Rio de Janeiro, Brazil. (Nguồn: Thebrasilians)
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 năm 2024 sẽ diễn ra ở Rio de Janeiro, Brazil. (Nguồn: Thebrasilians)

Ngày 16/11, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell, đã kêu gọi các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thúc đẩy các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) nhằm đạt được một thỏa thuận gây quỹ cho các quốc gia đang phát triển.

Ông Stiell ghi nhận nỗ lực của các nhà đàm phán tại COP29, đang diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan, khi họp thâu đêm để đạt được mục tiêu mới về tài chính khí hậu.

Tuy nhiên, ông cho rằng để đạt được mục tiêu này vẫn còn là một chặng đường dài phía trước, với những thách thức và khó khăn nhất định. Vì vậy, vai trò của các nước G20 cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng nhằm hỗ trợ những nỗ lực của COP29.

Trong một thông báo, ông Simon Stiell cho rằng các nhà lãnh đạo G20, bao gồm các nền kinh tế hàng đầu và cũng là các quốc gia có lượng phát thải lớn trên thế giới, cần xem xét vấn đề tài chính khí hậu khi nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm dự kiến diễn ra tại Brazil từ ngày 18-19/11.

Quan chức Liên hợp quốc này nhấn mạnh thế giới đang theo dõi và mong đợi những tín hiệu mạnh mẽ cho thấy hành động vì khí hậu là hoạt động cốt lõi của các nền kinh tế thuộc G20.

Một trong những chủ đề "nóng" nhất của COP29 chính là vấn đề tài chính khí hậu, nơi các quốc gia thảo luận để tìm ra con số tài chính thích hợp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Mức cam kết ban đầu là 100 tỷ USD mỗi năm, nhưng nay con số này không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Các quốc gia đang phát triển kêu gọi nâng mức cam kết tài trợ hằng năm lên 1.300 tỷ USD, phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay, nhằm giúp các nước này thích ứng với tác động của khí hậu và chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đang diễn ra tại COP29 đang vấp phải nhiều khác biệt trong quan điểm, đặc biệt là việc thống nhất được con số cam kết tài chính hằng năm, loại hình tài trợ và bên chi trả.

Ngoài ra, các nước phát triển muốn Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh tham gia danh sách các nhà tài trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục