LHQ kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt để ngăn thảm họa nhân đạo tại Sudan

LHQ cảnh báo đỉnh điểm của khủng hoảng tại Sudan chính là dịch COVID-19 khi mà hệ thống y tế nước này chưa được trang bị để ứng phó với dịch bệnh với quy mô lớn như hiện nay.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Khartoum, Sudan ngày 14/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Khartoum, Sudan ngày 14/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 28/4, Liên hợp quốc cảnh báo Sudan đang có nguy cơ đối mặt với thảm họa nhân đạo do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nếu như các lệnh trừng phạt đối với nước này không được dỡ bỏ và quốc tế không hỗ trợ tài chính.

Tháng 4/2019, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã bị quân đội phế truất sau các cuộc biểu tình của dân chúng kéo dài nhiều tháng. Thủ tướng Abdalla Hamdok đã lên nắm quyền sau khi chính phủ chuyển tiếp tuyên thệ nhậm chức vào tháng Chín năm ngoái.

Tuy nhiên, nền kinh tế Sudan hiện vẫn chìm trong khủng hoảng nghiêm trọng.

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet nhấn mạnh nếu không có sự hỗ trợ của quốc tế, lộ trình hướng tới hòa bình và ổn định của Sudan có thể bị đảo ngược.

Bà Bachelet cho rằng cam kết về phát triển kinh tế-xã hội, dân chủ, công bằng và hòa bình đang bị đe dọa bởi các hạn chế về nguồn lực của chính phủ chuyển tiếp.

Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn do các lệnh trừng phạt đơn phương, việc thiếu đi sự hỗ trợ của quốc tế và các thể chế tài chính không xóa nợ cho Sudan.

[Hàng trăm người biểu tình phản đối chính phủ chuyển tiếp ở Sudan]

Bà Bachelet cảnh báo đỉnh điểm của khủng hoảng tại Sudan chính là dịch COVID-19. Theo bà Bachelet, hệ thống y tế Sudan chưa được trang bị để ứng phó với dịch bệnh với quy mô lớn như hiện nay.

Cách duy nhất đề ngăn ngừa một thảm họa nhân đạo là các nhà tài trợ phải quyên góp để giúp Sudan vượt qua giai đoạn này.

Sudan đã bị Mỹ liệt vào danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố, khiến đầu tư vào nước này rất khó khăn. Điều đó khiến Sudan không thể cận nguồn vốn khẩn cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm giúp các quốc gia chống lại đại dịch COVID-19.

Các hộ gia đình tại Sudan thường xuyên phải chịu cảnh mất điện, trong khi phần lớn người dân vẫn phải xếp hàng nhiều giờ để mua nhu yếu phẩm hay đổ xăng.

Để ứng phó với dịch COVID-19, Chính phủ Sudan đã áp đặt lệnh giới nghiêm 24 giờ trong 3 tuần từ ngày 18/4 trên khắp Khartoum. Theo trang thống kê worldometers.info, Sudan hiện ghi nhận 275 ca nhiễm và 22 ca tử vong do COVID-19.

Bà Bachelet nhấn mạnh cách duy nhất để Sudan có thể vượt qua vòng xoáy nghèo đói là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, vốn được áp đặt từ thời chính phủ tiền nhiệm. Theo bà, nếu không giải quyết được các vấn đề kinh tế-xã hội, triển vọng Sudan có thể thành công chuyển sang giai đoạn hòa bình lâu dài vẫn còn xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục