LHQ kêu gọi các nước tiếp nhận người tị nạn Syria sau động đất

Để giúp người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng của động đất và giảm áp lực cho cộng đồng địa phương, UNHCR hối thúc các nước đẩy nhanh quá trình tái định cư và tiếp nhận người tị nạn Syria.
LHQ kêu gọi các nước tiếp nhận người tị nạn Syria sau động đất ảnh 1Người dân Syria lánh nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ lên xe buýt để trở về nước tại cửa khẩu Bab al-Hawa, ngày 17/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/3, Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước đẩy nhanh việc tiếp nhận người tị nạn Syria từ các khu vực chịu ảnh hưởng thảm họa động đất ở nước này và Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua.

Lời kêu gọi được đưa ra khi 89 người tị nạn Syria đã từ Thổ Nhĩ Kỳ đến thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.

Trận động đất mạnh có độ lớn 7,8 xảy ra ngày 6/2 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 45.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và hàng nghìn người khác ở nước láng giềng Syria, đồng thời phá hủy hoàn toàn hàng trăm nghìn tòa nhà.

Trong một tuyên bố chung, Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc (IOM) và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) nêu rõ nhiều người tị nạn Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm sự an toàn và được bảo vệ giờ đây một lần nữa phải đối mặt với nỗi đau mất người thân và mất nhà cửa cùng sinh kế.

Để giúp những người dễ bị tổn thương nhất này và giảm áp lực cho cộng đồng địa phương, UNHCR hối thúc các nước đẩy nhanh quá trình tái định cư và tiếp nhận người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi nêu rõ đây là một cách thể hiện tình đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm, đảm bảo các giải pháp thay đổi cuộc sống của những người tị nạn.

Đánh giá cao việc Chính phủ Tây Ban Nha đã đẩy mạnh tiếp nhận người tị nạn Syria, người đứng đầu IOM bày tỏ hy vọng những nỗ lực này sẽ được nhanh chóng nhân rộng.

Trong gần 12 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ là nơi trú ẩn cho hơn 3,6 triệu người Syria và là quốc gia tiếp nhận người tị nạn lớn nhất thế giới, cho phép nhiều người trong số họ tiếp cận các dịch vụ xã hội, giấy phép cư trú và làm việc.

Trận động đất tháng trước đã ảnh hưởng đến khoảng 9 triệu người, trong đó hơn 1,7 triệu người là người tị nạn.

Năm ngoái, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm các trường hợp người tị nạn Syria có cơ chế bảo hộ tạm thời thực hiện các chuyến đi lại giữa hai nước nhằm khuyến khích họ hồi hương.

Tuy nhiên, sau thảm họa động đất vào tháng Hai năm nay, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nới lỏng các hạn chế đối với việc di chuyển trong nước của người tị nạn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể tìm nơi tránh trú hoặc tìm tới những địa phương ở ngoài các vùng thiên tai.

LHQ kêu gọi các nước tiếp nhận người tị nạn Syria sau động đất ảnh 2Tòa nhà tại Aleppo, Syria bị phá hủy sau trận động đất kinh hoàng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vừa qua đã gây ra thiệt hại vật chất trực tiếp lên đến khoảng 5,1 tỷ USD ở Syria, khiến quốc gia nhiều năm chìm trong nội chiến này càng gặp nhiều khó khăn.

Theo WB, giá trị hiện tại của các tòa nhà và cơ sở hạ tầng bị hư hại bằng khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria.

Giám đốc WB phụ trách khu vực Trung Đông Jean-Christophe Carret nhận định các tổn thất này càng làm trầm trọng thêm những đau khổ và sự tàn phá mà người dân Syria phải chịu đựng trong nhiều năm qua.

Thảm họa sẽ gây suy giảm hoạt động kinh tế và ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa đến triển vọng tăng trưởng của Syria.

[WB ước tính Syria chịu thiệt hại vật chất hơn 5 tỷ USD sau động đất]

Ước tính sơ bộ trên của WB không bao gồm những tác động và tổn thất rộng hơn đối với nền kinh tế Syria.

Việc ổn định cuộc sống cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng và tái thiết cơ sở hạ tầng tại Syria hiện đang là ưu tiên hàng đầu.

Cộng đồng quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Arab, đang đặc biệt quan tâm đến các vùng bị ảnh hưởng ở Tây Bắc Syria do tình hình nhân đạo ở đây vốn đã tồi tệ từ trước khi thảm họa xảy ra.

LHQ kêu gọi các nước tiếp nhận người tị nạn Syria sau động đất ảnh 3Người dân đốt lửa sưởi ấm trong thời tiết giá lạnh do bị mất nhà cửa sau trận động đất tại Jindayris, Syria, ngày 9/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ khi xảy ra thảm họa động đất, tổng cộng 420 xe chở hàng viện trợ của Liên hợp quốc đã đến khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát.

Hơn 4 triệu người sống ở các khu vực nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ ở miền Bắc và Tây Bắc Syria, trong đó 90% phụ thuộc vào viện trợ.

EU thông báo tạm thời nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Syria nhằm đẩy nhanh tiến độ vận chuyển hàng viện trợ tới quốc gia Trung Đông này.

Tuyên bố của Hội đồng châu Âu nêu rõ các tổ chức cứu trợ sẽ không cần xin cấp phép từ các nước thành viên EU để chuyển hàng hóa và dịch vụ cứu trợ cho các thực thể nằm trong danh sách bị trừng phạt tại Syria.

Các nước Arab như Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)… cũng đã gửi hàng viện trợ cho người dân Syria bị ảnh hưởng bởi trận động đất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục