LHQ hối thúc Mỹ Latinh hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Quan chức UNDP cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực, vì vậy chính phủ các nước cần hỗ trợ sự phục hồi của các doanh nghiệp này.
LHQ hối thúc Mỹ Latinh hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: wfp.org)

Ngày 23/4, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) kêu gọi chính phủ các nước Mỹ Latinh thúc đẩy các giải pháp nhằm tăng cường khả năng phục hồi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trước các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, Giám đốc khu vực Mỹ Latinh và Caribe của UNDP Luis Felipe López- Bald nhận định các doanh nghệp lớn có khả năng và tiềm lực vượt qua khủng hoảng cao hơn các SME.

Cụ thể, quy mô của các tập đoàn lớn cho phép họ tích lũy lượng tiền mặt dự trữ lớn hơn, tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn, cùng với đó là khả năng đầu tư vào các biện pháp làm việc từ xa cũng như hệ thống cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà hoặc đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, các SME không có đủ nguồn lực cần thiết và phải đối mặt với tỷ lệ đóng cửa cao hơn so với các công ty lớn.

Ông López- Bald nêu bật tầm quan trọng của các SME tại Mỹ Latinh và Caribe do các doanh nghiệp này là nguồn tạo việc làm chủ yếu và là nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ chính cho một phần lớn dân số trong khu vực.

Tại các nước Mỹ Latinh và Caribe, cộng đồng SME chiếm đến 95,5% số lượng doanh nghiệp, đóng góp 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và giải quyết 60% vị trí việc làm.

[CEPAL khuyến nghị Mỹ Latinh duy trì chính sách tài khóa mở rộng]

Quan chức UNDP cho rằng các SME là động lực phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực, vì vậy chính phủ các nước cần hỗ trợ sự phục hồi của các doanh nghiệp này.

Ông thừa nhận mặc dù coi việc hỗ trợ các SME là một phần trọng tâm trong chiến lược phục hồi kinh tế trong thời gian qua, tuy nhiên các quốc gia Mỹ Latinh đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cung cấp đầy đủ tín dụng các doanh nghiệp này.

Theo Giám đốc khu vực của UNDP, các quốc gia Mỹ Latinh cần giải quyết các rào cản cơ cấu mà các SME phải đối mặt, bao gồm khả năng tiếp cận tài chính, đầu tư vào số hóa và đổi mới, gánh nặng pháp lý hoặc những thách thức liên quan đến việc tiếp cận môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra báo cáo cho thấy thu nhập từ thuế bảo vệ môi trường tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe chiếm khoảng 1,2% GDP trong năm 2019, thấp hơn mức trung bình 2,1% tại các quốc gia thành viên của tổ chức này.

Tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường tính trên tổng thu nhập từ thuế trong năm 2019 tại Mỹ Latinh đạt 5,7%, trong khi tỷ lệ trung bình tại các nước OECD đạt 6,4%.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và chính sách thuế OECD Grace Pérez-Navarro, các nước Mỹ Latinh cần tăng thêm thuế bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

Các chuyên gia OECD cho rằng ngoài thuế nhiên liệu và thuế đánh liên quan đến sở hữu xe hơi, các loại thuế bảo vệ môi trường khác còn tương đối kém phổ biến tại Mỹ Latinh.

Ngoài ra, mặc dù các loại thuế nhiên liệu đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trong khu vực, nhưng các nước này cũng trợ giá cho các sản phẩm năng lượng, khiến gánh nặng ngân sách tăng cao.

Trong báo cáo, OECD cũng cho biết tổng doanh thu từ thuế đánh vào các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch trong khu vực đạt mức 79,8 tỷ USD vào năm 2019, tăng 10,4% so với năm 2018.

Nguồn thu từ việc khai thác nguyên liệu hóa thạch trong khu vực đạt mức 2,7% GDP vào năm 2019. Tuy nhiên, các chuyên gia OECD cảnh báo đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể tới nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu dầu mỏ, khiến giá dầu thô giao ngay giảm mạnh. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới các nước sản xuất nhiên liệu thô tại Mỹ Latinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục