LHQ hối thúc Libya sớm công nhận chính phủ đoàn kết dân tộc

Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya Martin Kobler nhấn mạnh cuộc đối thoại chính trị còn bế tắc ngày nào thì IS phát triển thêm ngày đó.
LHQ hối thúc Libya sớm công nhận chính phủ đoàn kết dân tộc ảnh 1Đại diện 24 thành phố của Libya ký thỏa thuận thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 17/2, đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya Martin Kobler đã hối thúc Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya sớm công nhận chính phủ đoàn kết dân tộc nhằm chấm dứt xung đột, tập trung đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang phát triển mạnh tại quốc gia Bắc Phi này.

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 17/2, đúng dịp 5 năm nổ ra làn sóng nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, ông Kobler nhấn mạnh cuộc đối thoại chính trị bế tắc ngày nào thì IS phát triển thêm ngày đó.

Trước đó, ngày 14/2, tại thành phố Skhirat của Maroc, Hội đồng Tổng thống Libya đã công bố một chính phủ đoàn kết dân tộc mới gồm 18 thành viên, trong đó có 13 bộ trưởng và 5 quốc vụ khanh, vài tuần sau khi Quốc hội được quốc tế công nhận bác bỏ Nội các gồm 32 bộ trưởng được đề xuất trước đó do có quá nhiều bộ trưởng.

Phe đối địch tại Tripoli cũng tuyên bố không công nhận chính phủ gồm 32 thành viên. Quốc hội được quốc tế công nhận cũng quyết định lùi thời điểm tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn chính phủ đoàn kết dân tộc sang ngày 23/2, thay vì ngày 16/2 như dự kiến.

Ông Kobler đã hoan nghênh đề xuất mới của Hội đồng Tổng thống Libya, coi đây là "danh sách cân bằng."

Theo ông Kobler, 95% người dân Libya ủng hộ giải pháp chính trị này và mong muốn chứng kiến một chính phủ đủ mạnh để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho người dân.

Quan chức Liên hợp quốc cũng kêu gọi các phái đối địch tại Libya sớm chấp thuận bản danh sách thành phần chính phủ đoàn kết dân tộc để có thể bắt đầu giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nước này.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011.

Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC-cơ quan lập pháp cũ của Libya) đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của các nhóm phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk (Tô-brúc) ở miền Đông Libya.

Quốc gia Bắc Phi này rơi vào tình trạng có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho các cuộc đối thoại giữa các phe phái đối địch, song xung đột vẫn tiếp diễn. IS đã lợi dụng các khoảng trống chính trị và an ninh để mở rộng địa bàn hoạt động và gây thanh thế tại Libya.

Hiện khoảng 2,4 triệu trong tổng số 6 triệu dân của Libya đang phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ nhân đạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục