LHQ hối thúc hành động chống tội phạm, cướp biển

LHQ kêu gọi quốc tế hành động chống tội phạm, cướp biển xuyên quốc gia, buôn bán ma túy, cướp biển và khủng bố ở Tây Phi và Sahel.
Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp để chống các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma túy, cướp biển và khủng bố mới nổi lên ở Tây Phi và khu vực Sahel của châu Phi.

Trong phiên họp khẩn cấp ngày 22/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại đặc biệt về tác động và hậu quả của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia bắt nguồn từ tham nhũng và bạo lực tràn lan đang nổi lên ở hai khu vực này.

Đại diện 40 nước đã kêu gọi cộng đồng quốc tế và toàn hệ thống Liên hợp quốc hành động toàn diện và phối hợp để triệt phá các mạng lưới tội phạm sử dụng công nghệ cao và có nguồn tài chính lớn đang tận dụng những thể chế yếu kém và đường biên giới lỏng lẻo ở Tây Phi và khu vực Sahel để gây tội ác. Các nước trong hai khu vực này đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ để nhận dạng và tiêu diệt tận gốc các nhóm khủng bố.

Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thống Togo Faure Essozimna Gnassingbé nhấn mạnh an ninh ở Tây Phi và khu vực Sahel đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn cướp biển, khủng bố cùng các tổ chức buôn bán ma tuý, người và vũ khí.

Các tổ chức tội phạm này đang phá hoại tiến trình phát triển kinh tế-xã hội và quản lý đất nước trong bối cảnh các nước trong hai khu vực này vừa ra khỏi chiến tranh và xung đột, và phải đối phó với tỷ lệ dân số nghèo đói rất cao và nạn chảy máu các nguồn lực con người, tài chính và tri thức.

Vì vậy cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy các chiến lược toàn diện, nhất quán và phối hợp tốt để giúp các nước trong hai khu vực trên vượt qua hậu quả nặng nề của nhiều năm xung đột và bất ổn định, chống lại hiệu quả của các tổ chức tội phạm có tổ chức được vũ trang mạnh, ngăn chặn những tổ chức tội phạm này lan tràn bất ổn định ra toàn lục địa châu Phi.

Tuyên bố cảnh báo nguy cơ bạo lực lan tràn ở Tây Phi và Sahel đang thổi bùng cơn sốt buôn bán vũ khí trong và ngoài những khu vực này. Tây Phi và Sahel cũng đã trở thành đầu mối quan trọng trên tuyến quá cảnh ma túy vào châu Âu, đem lại cho các tổ chức tội phạm lợi nhuận trên 900 triệu USD hàng năm.

Những sáng kiến khu vực như Công ước về vũ khí nhỏ và nhẹ của Cộng đồng các nước Tây Phi (ECOWAS) cần phối hợp với các nỗ lực của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) và các nước thành viên Liên hợp quốc để tăng cường năng lực dài hạn của khu vực trong cuộc đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và khủng bố.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi các nước trong 2 khu vực này tăng cường các biện pháp cấp quốc gia và khu vực, đồng thời hỗ trợ tích cực Kế hoạch hành động của Liên minh châu Phi kiểm soát ma túy và ngăn chặn tội phạm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục