LHQ hối thúc Ai Cập đảm bảo an ninh sau bầu cử

Tổng thư ký Liên hợp quốc đã hối thúc nhà chức trách Ai Cập nỗ lực hơn nữa nhằm đảm bảo an ninh và ổn định lâu dài cho quốc gia Bắc Phi này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau khi Ủy ban Bầu cử Ai Cập chính thức công bố cựu Tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Sisi đắc cử Tổng thống, ngày 3/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hối thúc nhà chức trách Ai Cập nỗ lực hơn nữa nhằm đảm bảo an ninh và ổn định lâu dài cho quốc gia Bắc Phi này.

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Ban Ki-moon bày tỏ tin tưởng rằng Tổng thống mới đắc cử của Ai Cập sẽ nỗ lực hết sức để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về một đất nước Ai Cập ổn định, dân chủ và thịnh vượng.

Ông nhấn mạnh một nền dân chủ luôn gắn liền với 3 yếu tố cốt lõi: hòa bình và an ninh, phát triển, và quyền con người. Vì vậy, chính quyền Ai Cập phải thúc đẩy tính dân chủ trong các cơ quan chính phủ cũng như các quyết sách điều hành đất nước. Theo đó, cho phép đối thoại dân tộc trong hòa bình, tạo môi trường thuận lợi phát triển đất nước, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Liên hợp quốc cam kết hỗ trợ và hợp tác với Ai Cập trong thời gian tới.

Cũng trong ngày 3/6, Quốc vương Saudi Arabia Abdulaziz Al Saud đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống mới đắc cử của Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, đồng thời khẳng định sẽ hợp tác và hỗ trợ chính quyền mới ở quốc gia Bắc Phi này.

 

 Theo Quốc vương Al Saud, Ai Cập trong giai đoạn tới cần sự hợp lực của mọi người dân nhằm xây dựng một đất nước ổn định và phát triển. Quốc vương Saudi Arabia kêu gọi tổ chức một hội nghị các nhà tài trợ nhằm kêu gọi đầu tư, hỗ trợ Ai Cập khắc phục các khó khăn kinh tế.

 

 Ủy ban Bầu cử Ai Cập ngày 3/6 đã chính thức thông báo kết quả cuộc bầu cử Tổng thống tổ chức hồi cuối tháng 5 vừa qua, theo đó ông Abdel Fattah al-Sisi giành chiến thắng áp đảo với 96,9% số phiếu ủng hộ. Đối thủ của ông al-Sisi, cựu Ngoại trưởng Hamdeen Sabbahi chỉ giành được 3% số phiếu.

 

 Tổng thống đắc cử của Ai Cập phải đối mặt với hàng loạt thách thức cần được giải quyết, gồm bất ổn an ninh kể từ cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi vào mùa Hè năm ngoái, nền kinh tế èo uột sau hơn 3 năm diễn ra làn sóng biểu tình rầm rộ, vị thế quốc gia suy giảm, tình trạng chia rẽ sâu sắc trong xã hội cũng như phong trào phản kháng đang có dấu hiệu nhen nhóm trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục