Ba cơ quan chính của Liên hợp quốc bao gồm Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) và Ủy ban Kinh tế châu Âu thuộc Liên hợp quốc (UNECE) ngày 22/4 đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), còn được biết đến như là Thỏa thuận Bali.
Theo các điều khoản của Bản ghi nhớ, UNCTAD, ITC và UNECE sẽ tận dụng thế mạnh riêng, các sản phẩm và dịch vụ của những cơ quan này để cung cấp một chương trình phối hợp cùng hợp tác hỗ trợ cho các nước đang phát triển thực hiện TFA.
Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi cho rằng hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO là một cơ hội tuyệt vời để các nước đang phát triển và kém phát triển nhất tăng cường sự tham gia của họ trong nền kinh tế toàn cầu, mở rộng thương mại và tạo việc làm tại địa phương. Đây cũng chính là cốt lõi các công việc của Liên hợp quốc và TFA là chất xúc tác tuyệt vời để giúp đạt được mục tiêu này.
UNCTAD, ITC và UNECE đã nhấn mạnh đến mục tiêu lâu dài đơn giản và hài hòa hóa các thủ tục thương mại quốc tế, tạo các cơ hội để tăng cường thực hiện thuận lợi hóa thương mại tại các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất. Hợp tác giữa ba cơ quan này sẽ tập trung vào việc giúp các nước trên xác định, phân loại và thực hiện những biện pháp mà họ đã cam kết theo quy định TFA.
Bước đi đầu tiên sẽ là hỗ trợ các nước thiết lập những thể chế cần thiết cho việc thực hiện Hiệp định (chẳng hạn như lập các ủy ban xúc tiến thương mại quốc gia), đảm bảo rằng các quốc gia có thể áp dụng những khuyến nghị khác nhau của Liên hợp quốc và những công cụ sẵn có để thực hiện các yêu cầu trong thỏa thuận, đảm bảo tiếp cận thông tin tốt và dễ dàng hơn cho giới thương gia, tạo điều kiện đưa ra dự đoán có độ tin cậy cao hơn, đơn giản các thủ tục, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế trong tài liệu và các nguồn thông tin, thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa WTO và cộng đồng các nhà tài trợ.
TFA là một nỗ lực của WTO để cải cách hệ thống thủ tục hải quan trên quy mô toàn cầu, nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động trao đổi thương mại xuyên biên giới.
TFA đã được thông qua tại hội nghị bộ trưởng WTO lần thứ chín tại Bali (Indonesia) hồi tháng 12/2013. Hiệp định này vốn được coi là bước đột phá trong đàm phán thương mại đa phương với dự đoán sẽ thúc đẩy quy mô kinh tế thế giới tăng thêm khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm./.