LHQ đưa ra sáng kiến bảo vệ quyền của thuyền viên bị mắc kẹt trên biển

Do các biện pháp của các nước nhằm hạn chế COVID-19 lây lan, hiện có khoảng 200.000 thành viên thủy thủ đoàn làm việc trên các tàu chở hàng bị mắc kẹt trên biển và vượt quá thời hạn hợp đồng.
(Ảnh minh họa: IRNA/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New York, Liên hợp quốc ngày 6/5 công bố các hướng dẫn mới nhằm giúp ngành hàng hải bảo vệ quyền con người trên biển tốt hơn do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đe dọa sẽ làm trì hoãn lâu hơn việc luân chuyển thủy thủ đoàn.

Liên hợp quốc cho biết hiện có khoảng 200.000 thành viên thủy thủ đoàn làm việc trên các tàu chở hàng bị mắc kẹt trên biển và vượt quá thời hạn hợp đồng do các biện pháp của chính phủ các nước nhằm hạn chế COVID-19 lây lan, gây căng thẳng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. 

Công cụ thẩm định về quyền con người do Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc (UNGC), Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) phối hợp phát triển nhằm cung cấp danh sách kiểm tra trên phạm vi rộng cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào ngành hàng hải.

[Hàn Quốc: Cháy tàu có 10 người Việt Nam, không ai bị thương nặng]

Các cơ quan này cảnh báo số lượng thủy thủ đoàn mắc kẹt trên biển có thể gia tăng do các biến thể mới của virus và các hạn chế đi lại do chính phủ các nước áp đặt.

Nếu không được kiểm soát, các cơ quan của Liên hợp quốc lo ngại tình hình có thể trở lại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng luân chuyển thủy thủ đoàn vào tháng 9/2020, khi 400.000 thuyền viên mắc kẹt trên biển khắp thế giới.

Cuối năm ngoái, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đã kêu gọi hành động khẩn cấp đối với những thuyền viên bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Cơ quan điều hành của ILO đã có hành động đặc biệt khi thông qua một nghị quyết nhằm giải quyết tình trạng khổn khổ của những thủy thủ bị mắc kẹt trên biển vì đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục