Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã đề nghị dành 445 triệu USD hỗ trợ dòng người tị nạn từ Sudan trong vòng 6 tháng tới.
Hãng thông tấn Anadolu ngày 7/5 dẫn cảnh báo của Liên hợp quốc ước tính gần 19 triệu người Sudan sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực do cuộc xung đột giữa quân đội nước này và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc dự báo: “Số nạn nhân bị mất an ninh lương thực tại Sudan sẽ tăng thêm 2-2,5 triệu người. Như vậy, tổng số người phải đối mặt với tình trạng này trong thời gian 3-6 tháng tới sẽ là 19 triệu nếu cuộc xung đột hiện nay vẫn tiếp diễn.”
WFP cho hay các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là West Dafur, West Kordofan, Blue Nile và Red Sea.
[Giao tranh tại Sudan: Các bên bắt đầu đàm phán tại Saudi Arabia]
Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric ngày 30/4 bày tỏ tổ chức toàn cầu này “hết sức lo ngại về những tác động trước mắt và lâu dài” mà cuộc xung đột vũ trang hiện nay ở Sudan gây ra “đối với toàn thể nhân dân Sudan và toàn bộ khu vực.”
Theo ông Dujarric, Liên hợp quốc một lần nữa kêu gọi tất cả các bên đối địch ở Sudan bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sơ tán khỏi các khu vực giao tranh, cũng như đảm bảo an toàn cho các công tác cứu trợ và chăm sóc y tế.
Cũng theo người phát ngôn trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cùng ngày đã quyết định “ngay lập tức” cử Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths tới khu vực để đối phó với “cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xấu đi một cách nhanh chóng ở Sudan.”
Liên hợp quốc và các đối tác sẽ thành lập một nhóm nòng cốt nhằm giải quyết tình hình nhân đạo nghiêm trọng tại Sudan do các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), lực lượng bán quân sự chính ở Sudan.
Cơ quan điều phối nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết tình trạng thiếu lương thực, nước sạch, thuốc men và nhiên liệu đang tiếp tục ảnh hưởng tới Sudan, đặc biệt tại thủ đô Khartoum và các vùng phụ cận, trong khi khả năng tiếp cận với điện và dịch vụ viễn thông bị hạn chế ở nhiều nơi trên cả nước, khiến các hoạt động cứu trợ gặp nhiều khó khăn hơn.
Quyền Điều phối viên nhân đạo và thường trú của Liên hợp quốc tại Sudan, ông Abdou Dieng nhấn mạnh nhu cầu cứu trợ của người dân đang rất khẩn cấp và trên diện rộng.
Theo ông Dieng, các nhân viên của Liên hợp quốc còn lại ở Sudan đã di tản đến thành phố Port Sudan từ thủ đô Khartoum, nơi giao tranh diễn ra ác liệt nhất và tình hình an ninh đặc biệt nguy hiểm và khó lường.
Do các sân bay ở Sudan không còn hoạt động, nhiều người nước ngoài đã được đưa đến cảng ở Port Sudan để đăng ký lên tàu vượt Biển Đỏ đến thành phố Jeddah của Saudi Arabia.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA), ông Martin Griffiths đã quyết định giải ngân 3 triệu USD từ Quỹ Ứng phó khẩn cấp trung tâm (CERF) để trợ giúp khẩn cấp cho những người Sudan phải đi sơ tán và nhiều người khác tại Cộng hòa Chad.
Cũng trong ngày 30/4, Bộ Y tế Sudan thông báo xác nhận cuộc xung đột ở quốc gia Đông Bắc Phi đã khiến ít nhất 528 người thiệt mạng, khoảng 4.600 người khác bị thương, song con số này vẫn chưa phải là cuối cùng.
Liên quan xung đột tại Sudan, ngày 6/5, Mỹ và Saudi Arabia ra thông cáo chung cho biết các bên trong giao tranh tại Sudan đã bắt đầu đàm phán nhằm đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn sau 3 tuần giao tranh ác liệt làm hàng trăm người thiệt mạng và đẩy quốc gia châu Phi này đến bên bờ sụp đổ.
Trước đó cùng ngày, người đứng đầu Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), chỉ huy Mohamed Hamdan Dagalo đã xác nhận nhóm này sẽ tham gia đàm phán với Các Lực lượng Vũ trang Sudan.
Trên mạng Twitter, ông Dagalo hoan nghênh sáng kiến thiết lập một lệnh ngừng bắn vững chắc và mở các hành lang nhân đạo.
Ông Dagalo hy vọng đàm phán sẽ “đạt các mục tiêu đề ra” về hành lang an toàn cho người dân./.