Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn truyền thông khu vực ngày 10/5 cho biết, Liên hợp quốc đã đề xuất kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn được coi là lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai tới nay, theo đó tái định cư cho ít nhất 10% số người tị nạn mỗi năm và yêu cầu các nước mở cửa biên giới đón những người tị nạn và di cư từ các khu vực chiến tranh và thảm họa.
Đề xuất trên có tên gọi “Hiệp ước toàn cầu về chia sẻ trách nhiệm” do Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, với khoảng 60 triệu người tị nạn và di cư trên toàn cầu hiện nay.
Liên hợp quốc hy vọng thỏa thuận mới này sẽ giúp chia sẻ một phần gánh nặng với các quốc gia đang phát triển trong cuộc khủng hoảng di cư, chủ yếu do chiến tranh ở Syria và các cuộc xung đột khác gây ra.
Tổng thư ký Ban Ki-moon nêu rõ với việc chia sẻ trách nhiệm một cách công bằng, các nước tiếp nhận người di cư sẽ không phải đối mặt với bất kỳ khủng hoảng nào.
Kế hoạch của Liên hợp quốc được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) bị sa lầy trong vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng di cư được coi là tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Tháng 3 vừa qua, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận về người di cư, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận trở lại những người di cư, đổi lại Ankara sẽ nhận được hỗ trợ tài chính và một số nhượng bộ quan trọng khác từ EU. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn đang tranh cãi về cách thức chia sẻ gánh nặng trong vấn đề tái định cư cho người tị nạn và di cư.
Giới phân tích nhận định kế hoạch giải quyết khủng hoảng di cư của Liên hợp quốc sẽ định rõ trách nhiệm của mỗi nước.
Hiện 8 quốc gia, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Liban, Iran, Ethiopia, Jordan, Kenya và Uganda đang “cưu mang” hơn một nửa số người tị nạn và di cư của thế giới.
Trong khi đó, EU cùng với 9 nước gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản, Đức, Kuwait, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Hà Lan chịu trách nhiệm 75% ngân sách của Liên hợp quốc để hỗ trợ người tị nạn./.