Ngày 26/11, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thuộc Liên hợp quốc cho biết tổ chức này cần bổ sung gấp 75 triệu USD để cứu trợ lương thực cho người dân Zimbabwe hiện đang bị nạn đói đe dọa do tình trạng hán hán được dự báo sẽ kéo dài trong 6 tháng tới.
Phóng viên TTXVN tại khu vực miền Nam châu Phi dẫn lời của Giám đốc WFP tại Zimbabwe Eddie Rowe cho biết khoảng 2,4 triệu người dân tại đây đang cần được cứu trợ lương thực khẩn cấp vì lượng mưa ít khiến đất đai khô hạn không thể trồng trọt cũng như chăn nuôi mặc dù hiện đang là mùa mưa trong năm.
Theo ông, phần lớn kho lương thực dự trữ của người dân đã cạn kiệt và để đảm bảo nhu cầu, họ phải mua lương thực ngoài chợ với giá ngày càng tăng. Đó là chưa kể lượng lương thực bán trên thị trường cũng đang trở nên khan hiếm hơn.
Theo tính toán của WFP, khoảng 28% dân số Zimbabwe hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong vụ mùa 2018-2019.
[Kinh tế khó khăn, Zimbabwe cắt giảm lương quan chức chính phủ]
Bên cạnh đó, theo WFP, tình trạng hán hạn cũng khiến đàn gia súc, một trong những nguồn thu nhập chủ yếu của đa số nông dân nước này khi bị mất mùa, đang bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng do thiếu nước uống.
Phần lớn người nông dân Zimbabwe thường bán gia súc để đổi lấy isitshwala, một loại đồ ăn được nghiền từ ngũ cốc để chống đói trong những lúc giáp hạt.
Trước đó, vào tháng Chín vừa rồi, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã chuyển 22 triệu USD cho WFP hỗ trợ quốc gia 16 triệu dân nằm ở khu vực phía Nam châu Phi này.
Cùng ngày, Quỹ Ứng phó khẩn cấp (CERF) của Liên hợp quốc đã viện trợ cho Venezuela 9,2 triệu USD để triển khai các chương trình nhân đạo, trong đó có hỗ trợ y tế và thực phẩm cho phụ nữ và trẻ em nước này.
Theo người phát ngôn của Liên hợp quốc, đây là lần đầu tiên CERF viện trợ cho Venezuela kể từ khi bùng phát khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ này.
Quỹ sẽ cung cấp hỗ trợ thực phẩm cho trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú cũng như những người yếu thế tại Venezuela.
Venezuela đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế trầm trọng. Kể từ khi Tổng thống Maduro đắc cử lần đầu tiên năm 2013 và kế tục di sản mà nhà lãnh đạo cánh tả Hugo Chavez, các hoạt động chống phá hòng lật đổ chính quyền, phá hoại công cuộc cách mạng Bolivar cũng không ngừng gia tăng.
Phe cánh hữu ở Venezuela, với sự kích động từ bên ngoài, đã phát động hàng loạt cuộc biểu tình bạo động, khiến tình hình xã hội ở quốc gia Nam Mỹ này rơi vào tình trạng bất ổn trong nhiều tháng.
Không chỉ có vậy, các thế lực thù địch sau đó đã tiến hành hàng loạt chiến dịch phá hoại nền kinh tế và ổn định xã hội, từ hoạt động như phá hoại các nhà máy và hệ thống phân phối điện; đầu cơ, tích trữ quy mô lớn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường, cho tới tuồn trái phép đồng nội tệ Bolivar với số lượng lớn ra nước ngoài, gây khan hiếm tiền mặt ở trong nước hòng gây hỗn loạn thị trường tài chính tiền tệ.
Mặc dù cơ quan chức năng Venezuela đã đấu tranh quyết liệt với những âm mưu phá hoại này, song cuộc chiến kinh tế mà các thế lực thù địch tiến hành đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Venezuela, vốn đã lâm vào khủng hoảng do giá dầu mỏ - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này - giảm mạnh.
Âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong nước, kết hợp với các biện pháp đe dọa, gây sức ép từ bên ngoài, là một trong những nguyên nhân đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay./.