LHQ chuẩn bị chuyển đồ viện trợ vào vùng chiến sự ác liệt Đông Ghouta

Liên hợp quốc thông báo kế hoạch trong ngày 5/3 sẽ vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo vô cùng cần thiết cho những người dân Syria đang bị mắc kẹt tại vùng Đông Ghouta.
LHQ chuẩn bị chuyển đồ viện trợ vào vùng chiến sự ác liệt Đông Ghouta ảnh 1Tìm kiếm các nạn nhân sau một vụ không kích xuống Hamouria, Đông Ghouta ngày 9/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 4/3, Liên hợp quốc thông báo kế hoạch trong ngày 5/3 sẽ vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo vô cùng cần thiết cho những người dân Syria đang bị mắc kẹt tại vùng Đông Ghouta do phiến quân kiểm soát gần thủ đô Damascus của Syria.

Phóng viên TTXVN tại New York dẫn tuyên bố của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA) nêu rõ, đoàn xe tiến vào vùng lãnh thổ trên sẽ bao gồm "46 xe tải chở vật phẩm y tế và dinh dưỡng cùng với lương thực cho 27.500 người."

Tuyên bố cũng cho biết Liên hợp quốc đã nhận được cam kết rằng có thể vận chuyển số hàng viện trợ còn lại đến tay người dân vào ngày 8/3.


[Mỹ hối thúc Nga ngăn chặn cuộc tấn công tại Đông Ghouta]

Ông Ali al-Zaatari, nhà điều phối hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc tại Syria và sẽ phụ trách các hoạt động chuyên trở trên, cho hay: "Chúng tôi hy vọng đoàn xe có thể lên đường đúng như kế hoạch và sau đó sẽ còn nhiều đoàn xe cứu trợ như vậy nữa."

400.000 cư dân tại Đông Ghouta đã phải sống trong cảnh bị lực lượng chính quyền bao vây suốt từ năm 2013, phải chịu cảnh khan hiếm lương thực và thuốc men trầm trọng. Từ đầu năm tới nay, Liên hợp quốc mới thực hiện được chuyến viện trợ duy nhất tới Đông Gouta vào hôm 14/2.

Ngày 24/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 2401 yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria trong vòng 30 ngày, để cho phép các hoạt động vận chuyển "an toàn và đều đặn" hàng viện trợ và sơ tán những người ốm hoặc bị thương ở khu vực Đông Ghouta của Syria. Nghị quyết cũng yêu cầu chấm dứt tất cả các cuộc bao vây, bao gồm ở Đông Ghouta, Yarmouk, Foua và Kefraya, đồng thời yêu cầu tất cả các bên "chấm dứt việc cướp bóc thuốc men và thực phẩm của dân thường."

Yêu cầu ngừng bắn không áp dụng cho các hoạt động quân sự chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Al-Qaeda và các nhóm có quan hệ với mạng lưới khủng bố này. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định việc triển khai một lệnh ngừng bắn toàn diện vào thời điểm hiện nay là khó khả thi bởi tìm được tiếng nói chung giữa nhiều lực lượng đang cùng hiện diện tại chiến trường này là một tiến trình phức tạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục