LHQ cảnh báo Yemen đang đối mặt với tình trạng nội chiến

Đặc phái viên LHQ tại Yemen cảnh báo rằng quốc gia này đang rơi vào cuộc nội chiến sau hạn chót về thành lập một chính phủ lâm thời kết thúc ngày 4/2.
LHQ cảnh báo Yemen đang đối mặt với tình trạng nội chiến ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn lời Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Yemen, ông Jamal Benomar, cảnh báo rằng quốc gia này đang rơi vào cuộc nội chiến trong bối cảnh hạn chót theo yêu cầu của phong trào Hồi giáo Shi'ite Houthi về thành lập một chính phủ lâm thời kết thúc ngày 4/2.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Sanaa, ông Benomar nhấn mạnh rằng tình hình rất nghiêm trọng tại Yemen đang đẩy quốc gia này trên bờ vực sụp đổ. Theo ông, nếu tình hình không được ngăn chặn, quốc gia này sẽ bước vào một cuộc nội chiến.

Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon về Yemen còn cảnh báo rằng vấn đề không chỉ là khoảng trống quyền lực ở Sanaa sau việc Chính phủ Yemen từ chức mà còn vì sự hiện diện đang gia tăng của tổ chức khủng bố al-Qaeda trong các bộ lạc người Hồi giáo Sunni ở Yemen, cũng như viễn cảnh miền Nam nước này cố tìm cách li khai.

Tổng thống Yemen Abdrabuh Mansur Hadi và thủ tướng cùng nội các đã từ chức hồi cuối tháng 1/2015, sau khi các chiến binh Houthi chiếm Phủ Tổng thống tại Sanaa.

Sau khi ông Hadi từ chức, các chiến binh Houthi đã tìm cách mở rộng sự hiện diện tại nhiều tỉnh của Yemen, dẫn đến chiến sự tái diễn giữa nhóm này và các bộ lạc Sunni ở tỉnh Shabwah.

Lực lượng Houthi đã cho các phe phái chính trị Yemen thời hạn chót đến sáng 4/2 để thành lập một chính phủ lâm thời cho tới khi bầu được một tổng thống mới, cũng như yêu cầu bổ nhiệm một nhân vật mới đứng đầu các lực lượng vũ trang của nước này.

Phái viên LHQ đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa nhiều đảng chính trị của Yemen sau khi ông Hadi từ chức, song không đạt được thỏa thuận nào.

Hiện chưa rõ ý định của phong trào Houthi sau khi thời hạn chót trôi qua, song một số nhận định cho rằng phong trào này có thể sẽ kéo dài thời hạn chót để cho phép các đảng chính trị Yemen tiến hành đối thoại thêm dưới sự bảo trợ của LHQ để thành lập một chính phủ lâm thời. Họ cũng có thể tìm cách chuyển giao quyền lực cho Chủ tịch quốc hội Yemen Yahya Al-Raiee, người theo hiến pháp sẽ có 60 ngày để thu xếp các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội.

Phong trào Houthi muốn tham gia vào lực lượng quân đội và cảnh sát Yemen trong nỗ lực nhằm đảm bảo sự kiểm soát quyền lực tại đất nước này, nhưng dường như vẫn do dự kiểm soát chính phủ và các tổ chức chính quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục