LHQ cảnh báo nguy cơ xảy ra nạn đói nghiêm trọng tại Nam Sudan

Theo Chương trình lương thực thế giới, một số khu vực tại Nam Sudan có thể lại rơi vào nạn đói nặng nề do tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và giá cả tăng cao.
LHQ cảnh báo nguy cơ xảy ra nạn đói nghiêm trọng tại Nam Sudan ảnh 1Người dân Nam Sudan phài bỏ nhà cửa đi lánh nạn. (Nguồn: capitalfm)

Một số khu vực tại Nam Sudan có thể lại rơi vào nạn đói nặng nề trong bối cảnh tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và giá cả tăng cao tiếp tục ảnh hưởng tới gần một nửa dân số nước này. Đó là cảnh báo được Chương trình lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc và Tổ chức Nông Lương (FAO) đưa ra trong một báo cáo công bố ngày 6/11.

Theo các cơ quan trên của Liên hợp quốc, gần 5 triệu người Nam Sudan hiện đang trong tình cảnh thiếu lương thực, do sự tàn phá và sụp đổ kinh tế bởi nội chiến ở nước này gây ra kể từ cuối năm 2013.

Dự báo, hơn 1,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Nam Sudan sẽ bị suy dinh dưỡng vào năm 2018, trong đó có gần 300.000 em bị suy dinh dưỡng ở mức "có nguy cơ tử vong cao."

[20 triệu người ở 4 nước châu Phi đang đứng trước nguy cơ chết đói]

Tỷ lệ suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở gần 4 trong số 5 khu vực tại Nam Sudan cao hơn 15% so với ngưỡng "khẩn cấp" mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra.

Trước đó, hồi tháng 2, một nạn đói đã được tuyên bố tại một số khu vực do lực lượng phiến quân kiểm soát. Sau đó, các hoạt động viện trợ lương thực khẩn cấp đã giúp làm giảm bớt nạn đói nơi đây. Tuy nhiên, ông Adnan Khan thuộc WFP đã cảnh báo về nguy cơ tái diễn nạn đói tại Nam Sudan trong năm 2018.

Đại diện của FAO tại Nam Sudan, Serge Tissot cảnh báo cần phải đặt ưu tiên hàng đầu là tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Nam Sudan nếu không tình hình tại nước này sẽ còn tồi tệ hơn trong năm 2018. Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thống kê quốc gia của Nam Sudan Isaiah Chol Aruai cho rằng cuộc xung đột kéo dài có thể khiến các nhà tài trợ giảm tiền viện trợ.

Nam Sudan giành độc lập sau khi tách ra từ Sudan vào năm 2011 nhưng lại rơi vào cuộc nội chiến kể từ năm 2013 sau khi Tổng thống Salva Kiir sa thải Phó Tổng thống Riek Machar.

Cuộc xung đột hiện tại đã khiến Nam Sudan rơi vào tình trạng đói kém nghiêm trọng, làm tê liệt các dịch vụ công và buộc 3 triệu người - chiếm khoảng 1/4 dân số - phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục