LHQ cảnh báo mật độ khí gây hiệu ứng nhà kính tăng lên mức cao mới

Lần cuối cùng Trái Đất chứng kiến nồng độ CO2 tương đương mức hiện này là cách đây từ 3-5 triệu năm, nhiệt độ ấm hơn 2-3 độ C, mực nước biển cao hơn 10-20m so với bây giờ song chưa có 7,8 tỷ người.
Khói bốc lên tại nhà máy hóa dầu ở Etang de Berre, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mật độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển đã tăng lên mức kỷ lục mới trong năm ngoái và nhiều khả năng xu hướng tăng này sẽ tiếp tục trong năm 2021. Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo về khí hậu do Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc công bố ngày 25/10.

WMO nêu rõ tốc độ gia tăng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm ngoái đã vượt mức trung bình hằng năm trong giai đoạn 2011-2020 và xu hướng tăng này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm nay.

Theo WMO, đại dịch COVID-19 khiến kinh tế sụt giảm, dẫn đến lượng khí phát thải mới tạm thời giảm, song điều này không gây tác động rõ rệt đối với nồng độ khí phát thải trong khí quyển và tốc độ tăng của lượng khí này.

Tổ chức này cho biết, chừng nào lượng khí CO2 tiếp tục thải ra môi trường, nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng.

Báo cáo của WMO liệt kê 3 loại khí gây hiệu ứng nhà kính chính, gồm CO2, metan và N2O, trong đó khí CO2 là tác nhân chính, chiếm tới 66% tác động khiến Trái đất nóng lên.

Theo WMO, nồng độ của cả 3 loại khí này đều tăng trong năm 2020. Cụ thể, nồng độ khí CO2 trong không khí đã lên mức 413,2 phần triệu ppm, tăng 2,5 ppm so với năm trước đó và tăng 149% so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp.

Báo cáo cho biết khoảng 50% lượng CO2 do hoạt động của con người vẫn tồn đọng trong khí quyển, số còn lại thải ra đại dương và đất liền.

Trong khi đó, nồng độ trung bình của khí metan trong khí quyển tăng lên ngưỡng cao mới, ở mức 1.889 phần tỷ (ppb), tăng 11 ppb so với năm trước và tăng 262% so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp.

Khoảng 40% khí metan phát thải ra môi trường từ các nguồn tự nhiên như vùng đầm lầy, số còn lại do hoạt động của con người. Nồng độ trung bình của N2O cũng tăng lên mức 333,2 ppb, tăng 1,2 ppb so với năm 2019 và tăng 123% so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp.

[Các nước G20 chia rẽ về vấn đề khí hậu trước thềm hội nghị thượng đỉnh]

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh lần cuối cùng Trái Đất chứng kiến nồng độ CO2 tương đương như mức hiện này là cách đây từ 3-5 triệu năm.

Vào thời điểm đó, nhiệt độ ấm hơn 2-3 độ C và mực nước biển cao hơn 10-20 m so với bây giờ, song chưa có 7,8 tỷ người sinh sống trên Trái Đất.

WMO cảnh báo với việc khí phát thải tiếp tục tăng cùng với việc nhiệt độ tăng cao, con người có thể hứng chịu thêm nhiều thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, mưa lớn, băng tan hay mực nước biển tăng và tất cả điều này sẽ gây ra những tác động kinh tế-xã hội nghiêm trọng.

Ông Taalas nhấn mạnh con người cần biến cam kết thành hành động, để từ đó cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Theo người đứng đầu WMO, con người không có thời gian để mất và cần có những thay đổi cần thiết để ngăn chặn tình trạng này, ngay cả khi những thay đổi này được trả bằng tiền hoặc được thực hiện bằng công nghệ.

Những thống kê trên được công bố trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) sắp diễn ra tại thành phố Glasgow thuộc Scotland (Vương quốc Anh) từ ngày 31/10 đến ngày 12/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục