LHQ cảnh báo khủng hoảng nước có thể tàn phá nhiều quốc gia

Liên hợp quốc cảnh báo nếu không có những thay đổi mạnh mẽ, thế giới sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng nước có thể tàn phá các quốc gia có thời tiết nóng và khô hạn.
Bãi biển ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc bị ô nhiễm với rác thải. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhân "Ngày Nước Thế giới" được tổ chức vào ngày 22/3 hằng năm, Liên hợp quốc đưa ra lời cảnh báo nếu không có những thay đổi mạnh mẽ, thế giới sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng nước có thể tàn phá các quốc gia có thời tiết nóng và khô hạn.

Báo cáo thường niên mang tên "Phát triển Nước Thế giới" cho biết thế giới hiện vẫn có đủ nước để dùng nhưng sẽ thiếu 40% vào năm 2030 nếu không thay đổi mạnh mẽ cách thức sử dụng, quản lý và chia sẻ nguồn nước.

Báo cáo đưa ra danh sách dài các hình thức lãng phí nước như ô nhiễm vì thuốc trừ sâu, ô nhiễm công nghiệp, không xử lý nước thải, khai thác quá mức, đặc biệt cho tưới tiêu.

Ông Michel Jarraud, người đứng đầu Tổ chức Nước và Khí tượng Thế giới (WMO), nhấn mạnh thay đổi cách đo đạc, giám sát và thực hiện các biện pháp này đã trở thành nhu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo nước được sử dụng bền vững.

Dân số tăng trưởng nhanh là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến khủng hoảng nước. Báo cáo lấy dẫn chứng là dân số 7,3 tỷ người trên thế giới hiện nay sẽ tăng khoảng 80 triệu người/năm, có thể lên đến 9,1 tỷ người vào năm 2050.

Để nuôi số nhân khẩu mới, khu vực nông nghiệp sẽ phải tăng 60% lượng nước tiêu thụ, vốn đã "ngốn" 70% tổng lượng nước tiêu thụ trên thế giới. Biến đổi khí hậu, đô thị hóa cũng là những yếu tố làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng nước.

Báo cáo cũng cho biết hơn một nửa dân số thế giới đang sử dụng nước khoan để sinh hoạt, chưa kể 40% nước tưới tiêu được khai thác từ nguồn này.

Trong khi đó, khoảng 20% các mạch nước ngầm đang bị khai thác bừa bãi một cách nguy hiểm và rất nhiều nước sạch bị rút từ các tầng đá xốp khiến nước mặn ngấm vào nước ngọt ở các vùng duyên hải.

Vào năm 2050, nhu cầu nước toàn cầu có thể tăng 55%, chủ yếu do đô thị hóa. Các thành phố sẽ phải khoan hoặc đào sâu hơn mới đến tầng nước hoặc sẽ phải dựa vào những giải pháp mới và công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu nước sạch.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho rằng để giải quyết những vấn đề trên cần phải có cách thức quản lý thông minh và trách nhiệm, tức là phải phối hợp các quy định và sáng kiến để hạn chế tình trạng lãng phí nước, trừng phạt những hành động làm ô nhiễm nước, khuyến khích đổi mới và bảo vệ những môi trường sống có thể duy trì sự đa sạng sinh học và nước cho con người.

Năm ngoái, Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đối Khí hậu (IPCC) ước tính khoảng 80% dân số thế giới đang phải đối mặt những mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh nước, trong khi biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi nguồn nước sẵn có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục