Ngày 15/11, Liên hợp quốc cảnh báo các bệnh viện tại Yemen chỉ còn đủ nhiên liệu để hoạt động chưa tới 3 tuần nữa nếu liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu không dỡ bỏ các lệnh phong tỏa tại đất nước này.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh Yemen đang đối mặt với một trong những đợt dịch tả nghiêm trọng nhất thế giới với gần 1 triệu người nhiễm bệnh và khoảng 2.200 người đã thiệt mạng.
Người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết dự trữ vaccine của nước này cũng sẽ cạn trong 2 tuần tới nếu không nhận được tiếp trợ.
Chương trình Thực phẩm Thế giới cũng cảnh báo trữ lượng gạo tại Yemen sẽ cạn trong 111 ngày và lúa mì trong 97 ngày, trong khi đó, giá cả của các nhu yếu phẩm cần thiết đang tăng chóng mặt.
Điều phối viên hoạt động cứu trợ của Liên hợp quốc tại Yemen Jamie McGoldrick nhấn mạnh tình hình tại Yemen đang gây ra những hậu quả nhân đạo "không thể tưởng tượng được."
Saudi Arabia và các đồng minh đã tiến hành can thiệp quân sự vào Yemen hồi tháng 3/2015, với mục tiêu đẩy lùi phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn và khôi phục chính quyền của Tổng thống Mansour Hadi.
[Yemen: Liên quân Arab không kích sân bay ở thủ đô Sanaa]
Kể từ khi liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu bắt đầu phong tỏa các tuyến biên giới trên đất liền cũng như các cảng biển và sân bay, Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế khác buộc phải xin phép trước khi vận chuyển hàng cứu trợ tới Yemen.
Ngày 6/11, liên quân tăng cường phong tỏa khi tuyên bố đóng cửa các cảng biển và cửa khẩu đối với các tổ chức cứu trợ nhân đạo, sau khi Saudi Arabia cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công bằng tên lửa vào khu vực gần sân bay Riyadh.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8/11 đã yêu cầu liên quân Arab dỡ bỏ phong tỏa đối với Yemen, đồng thời cảnh báo nạn đói nghiêm trọng đang tiếp tục xấu đi tại nước này./.