Liên hợp quốc cảnh báo các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đang lợi dụng nhu cầu gia tăng thiết bị bảo hộ y tế cá nhân trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để bán các thiết bị kém chất lượng.
Báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) công bố ngày 8/7 nêu rõ, theo sau sự bùng phát và lây lan của virus SARS-CoV-2 là các vụ lừa đảo và tấn công mạng nhằm vào các cơ sở trọng yếu.
Tình trạng buôn lậu khẩu trang, sản phẩm sát khuẩn và các sản phẩm y tế kém chất lượng, thậm chí các vụ lừa đảo lấy tiền trong khi không cung cấp hàng, đang gia tăng do nhu cầu đối với các sản phẩm này tăng cao.
Báo cáo nhận định một khi vắcxin phòng COVID-19 được phát triển thành công, các vụ lừa đảo và buôn lậu sẽ chuyển từ thiết bị bảo hộ y tế sang vắcxin.
[Đức thúc đẩy sản xuất vải nguyên liệu để làm khẩu trang]
Giám đốc điều hành UNODC Ghada Waly cảnh báo sức khỏe và sinh mạng con người đang bị đe dọa khi tội phạm đang lợi dụng tâm lý lo sợ và bất ổn của công chúng đối với đại dịch COVID-19. Bà cho biết các nhóm tội phạm xuyên quốc gia đang lợi dụng những khác biệt về quy định, giám sát và quản lý sản phẩm y tế của các quốc gia để bán hàng giả hoặc kém chất lượng.
Theo báo cáo của UNODC, số lượng thiết bị bảo hộ y tế và các bộ xét nghiệm COVID-19 giả và kém chất lượng được tịch thu nhiều nhất tại những khu vực có số ca mắc COVID-19 và tử vong cao nhất ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Báo cáo cũng cho biết một chiến dịch, do Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) điều phối, với sự tham gia của hơn 90 nước vào tháng Ba năm nay nhằm triệt phá các vụ buôn bán thuốc và sản phẩm y tế bất hợp pháp trên mạng Internet đã dẫn đến 121 vụ bắt giữ, và tịch thu khẩu trang giả và kém chất lượng cũng như các dược phẩm gây nguy hiểm, trị giá hơn 14 triệu USD.
UNODC kêu gọi các quốc gia mở rộng hợp tác quốc tế, hoàn thiện khung pháp lý và hình phạt, và tăng cường đào tạo lao động trong ngành sản xuất sản phẩm y tế để ứng phó hiệu quả với vấn nạn này./.