LHQ cân nhắc giải pháp phá hủy tàu thuyền dùng chở người nhập cư

EU đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của LHQ đối với việc áp dụng hành động quân sự nhằm bắt giữ và phá hủy những tàu thuyền được sử dụng để chở người di cư bất hợp pháp.
Những người nhập cư trái phép vừa được giải cứu trên biển Địa Trung Hải. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trên Địa Trung Hải, giới chức lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của Liên hợp quốc đối với việc áp dụng hành động quân sự nhằm bắt giữ và phá hủy những tàu thuyền được sử dụng để chở người di cư bất hợp pháp qua Địa Trung Hải từ Libya.

Hiện Nga đã tỏ thái độ phản đối việc phá hủy tàu thuyền, trong khi Liên hợp quốc đang cân nhắc khả năng có thông qua giải pháp quân sự của EU hay không.

Trao đổi với báo giới ngày 6/5, một quan chức ngoại giao giấu tên của Liên hợp quốc cho biết các nước thành viên EU thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - gồm Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Litva - đang hợp tác với Italy để soạn thảo một dự thảo nghị quyết, trong đó cho phép EU can thiệp trong lãnh hải và trên đất liền của Libya, bắt giữ các tàu thuyền "nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu và di cư bất hợp pháp tại khu vực Địa Trung Hải."

Dự thảo nghị quyết này được soạn thảo dựa trên sự thống nhất về cách thức giải quyết vấn nạn nhập cư mà giới chức lãnh đạo EU đạt được hồi tháng trước, theo đó sẽ "xác định, bắt giữ và phá hủy" các tàu thuyền được dùng để chở người nhập cư trái phép qua Địa Trung Hải.

Văn kiện được soạn thảo theo Chương 7 của Hiến chương Liên hợp quốc - cho phép sử dụng vũ lực - này sẽ trao quyền cho lực lượng hải quân EU được hành động trong vùng lãnh hải của Libya, nếu có sự đồng thuận của nhà cầm quyền nước này.

Giải pháp gây nhiều tranh cãi nhất đang được thảo luận liên quan kế hoạch quân sự do EU đề xuất nhằm phá hủy tàu thuyền của những kẻ buôn người trước khi chúng được sử dụng để vận chuyển người di cư bất hợp pháp qua Địa Trung Hải.

Một nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an cho biết dự thảo nghị quyết này sẽ cho phép kiểm tra và bắt giữ tất cả tàu thuyền bị nghi ngờ do bọn buôn lậu người sử dụng, nhưng không đề cập đến việc phá hủy những tàu thuyền đó.

Trước diễn biến mới nhất này, Nga - quốc gia có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an - bày tỏ sự ủng hộ đối với dự thảo nghị quyết trên, song phản đối việc cho phép EU có hành động phá hủy các tàu thuyền được sử dụng để chở những người di cư.

Đại diện thường trực Nga tại EU Vladimir Chizhov đã bày tỏ quan ngại về giải pháp vũ lực trên, cho rằng chỉ nên kiểm tra và bắt giữ các tàu thuyền được sử dụng với mục đích vận chuyển người nhập cư trái phép.

Trong khi đó, cùng ngày, Chủ tịch hội Chữ thập Đỏ của Italy Francesco Rocca lên tiếng phản đối đề xuất sử dụng vũ lực của EU, cho rằng cần tạo thêm cơ hội để những người di cư đang mong muốn tìm kiếm nơi trú ẩn có thể đến châu Âu an toàn.

Trong cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki -moon, ông Rocca nêu rõ việc phá hủy các tàu thuyền không phải là một biện pháp hiệu quả và nhấn mạnh sự cần thiết có một kế hoạch toàn diện hơn chứ không phải chỉ hạn chế trong việc phá hỏng cơ hội làm ăn của bọn buôn người.

Ông còn cho rằng cần ưu tiên việc tìm kiếm một giải pháp chính trị nhằm vãn hồi tình hình bất ổn ở Libya - nơi tình trạng vô luật pháp sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011 đang tạo điều kiện cho các băng nhóm buôn lậu hoành hành.

Đồng tình với quan điểm trên, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng chỉ trích giải pháp phá hủy tàu thuyền mà EU đề xuất, cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến kế sinh nhai của ngư dân địa phương - những người có thể bị buộc phải bắt tay với những kẻ buôn người.

Dự kiến, trong cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an ngày 11/5 tới ở New York (Mỹ), Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU Federica Mogherini sẽ trình bày kế hoạch của EU trong việc giải quyết làn sóng nhập cư qua Địa Trung Hải.

Chính những đề xuất đó sẽ là nền tảng cho một nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Theo giới ngoại giao, một bản dự thảo nghị quyết có thể sẽ được lưu hành trong số 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an vào tuần tới.

Châu Âu đang đối mặt với bài toán khó mang tên nhập cư từ các nước Bắc Phi bên kia bờ Địa Trung Hải. Theo thống kê, đã có hơn 5.000 người di cư thiệt mạng do thuyền bị lật trên vùng biển ngoài khơi Libya trong suốt hơn 18 tháng qua.

Kể từ đầu năm tới nay, riêng Italy đã tiếp nhận hơn 30.000 người nhập cư trái phép bằng đường biển đến từ vùng biển Libya - vị trí được coi là gần Italy nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục