LHQ: Các chuyên gia nên được phép có mặt khi hủy bãi thử Punggye-ri

Liên hợp quốc hoan nghênh việc Triều Tiên phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nhưng cho rằng các chuyên gia quốc tế đáng lẽ nên được phép có mặt tại khu vực này để chứng kiến công tác dỡ bỏ.
LHQ: Các chuyên gia nên được phép có mặt khi hủy bãi thử Punggye-ri ảnh 1Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (giữa) tại cuộc họp của Hội đồng bảo an LHQ ở New York, Mỹ ngày 22/5. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 24/5 đã hoan nghênh việc Triều Tiên phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nhưng cho rằng các chuyên gia quốc tế đáng lẽ nên được phép có mặt tại khu vực này để chứng kiến công tác dỡ bỏ.

Trong tuyên bố của mình, Tổng thư ký Guterres lấy làm tiếc các chuyên gia quốc tế đã không được mời đến chứng kiến việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc vẫn bày tỏ hy vọng biện pháp giúp xây dựng lòng tin này của Bình Nhưỡng "sẽ góp phần thúc đẩy các nỗ lực hướng tới một nền hòa bình bền vững và việc phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên."

Punggye-ri là bãi thử hạt nhân mà Triều Tiên tuyên bố là duy nhất của nước này. Nơi đây đã diễn ra 6 lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017.

Việc phá bỏ bãi thử hạt nhân này được xem là cử chỉ thiện chí đáng ghi nhận nhằm xây dựng lòng tin trong vấn đề hạt nhân.

[Triều Tiên: Lễ dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri kéo dài hơn 5 giờ]

Nhiều chuyên gia vẫn thận trọng rằng việc phá bỏ như vậy không tạo ra tác động đáng kể tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, bởi Punggye-ri có thể đã không còn sử dụng được nữa sau nhiều vụ nổ.

Trong khi đó, một số khác lại cho rằng Triều Tiên đã hoàn thiện công nghệ hạt nhân, và không cần tiến hành thêm vụ thử nào nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục