Theo phóng viên TTXVN tại New York, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 16/4 đã bổ nhiệm ông Nicholas Haysom làm đặc phái viên về Sudan để phối hợp với Liên minh châu Phi (AU) giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này.
Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết ông Haysom, là luật sư người Nam Phi, từng là đặc phái viên Liên hợp quốc về Somalia, Afghanistan, Sudan và Nam Sudan, có nhiệm vụ hỗ trợ các nỗ lực hòa giải, do AU dẫn đầu, giữa lực lượng quân đội và các tổ chức dân sự.
Ông Dujarric khẳng định đặc phái viên mới của Liên hợp quốc về Sudan sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ AU trong vấn đề Sudan. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng đã thảo luận việc bổ nhiệm ông Haysom qua điện thoại với người đứng đầu Ủy ban AU Moussa Faki.
Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ họp về vấn đề Sudan trong ngày 17/4. Trước đó, ngày 15/4, AU kêu gọi quân đội Sudan chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự trong vòng 15 ngày, cũng như kịch liệt chỉ trích việc quân đội nước này phế truất Tổng thống Omar al-Bashir.
Hội đồng an ninh và hòa bình của AU cảnh báo sẽ đình chỉ tư cách thành viên của Sudan trong tổ chức gồm 55 quốc gia này nếu lực lượng quân sự không thiết lập chính phủ dân sự.
[Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan bãi nhiệm trưởng công tố]
Cùng ngày, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ không đưa Sudan ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố cho đến khi ban lãnh đạo và chính sách của nước này thay đổi và quân đội không còn nắm quyền điều hành đất nước.
Quan chức trên nêu rõ Mỹ "sẵn sàng xem xét loại bỏ Sudan ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố nếu có sự thay đổi đáng kể trong ban lãnh đạo và các chính sách của nước này."
Bên cạnh đó, quan chức này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng ý chí của người dân và người dân Sudan phải được hưởng quá trình chuyển giao hòa bình.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Sudan Ihab Osman cho rằng Mỹ và các nước đồng minh, trong đó có Anh và Pháp, cần duy trì gây sức ép đối với lực lượng quân đội Sudan.
Mỹ liệt Sudan vào danh sách các nước tài trợ khủng bố vào năm 1993 dưới thời của Tổng thống Bill Clinton, áp đặt lệnh cấm vận thương mại và siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.
Năm 2017, dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 20 năm đối với Sudan và đang trong quá trình đàm phán, được gọi là "Giai đoạn II" nhằm đưa nước này ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố.
Tuy nhiên, kể từ sau cuộc chính biến ngày 11/4, theo đó, quân đội đã tiến hành bắt giữ Tổng thống Al-Bashir, đồng thời tuyên bố thành lập Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan điều hành đất nước trong 2 năm, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm ngừng các cuộc đàm phán nhằm bình thường hóa quan hệ với Sudan.
Tình hình Sudan hiện vẫn căng thẳng khi những người biểu tình Sudan yêu cầu lực lượng quân đội nhanh chóng thành lập một chính quyền dân sự, đồng thời tiếp tục biểu tình ngồi bên ngoài các sở chỉ huy quân đội./.