Ít nhất 3,9 triệu người Nam Sudan, khoảng 1/3 dân số nước này, đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.
Đây là thông báo được Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đưa ra trong tuyên bố chung ngày 22/10.
Dù Nam Sudan chưa đưa ra tuyên bố chính thức về nạn đói, song báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy nước này đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc nội chiến kéo dài 22 tháng qua. Tuyên bố chung của 3 cơ quan trên nhấn mạnh nạn đói đang đẩy người dân đến bên bờ của thảm họa.
Theo đó, ít nhất 30.000 người đang phải sống trong điều kiện cực khổ, phải đối mặt với đói khát và cái chết.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là bang Unity - nơi từng là vùng khai thác dầu mỏ chính của nước này, song hiện giao tranh ác liệt đang xảy ra tại đây, đi kèm với các vụ bắt cóc và tấn công tình dục phụ nữ và trẻ em.
Theo khung Phân loại giai đoạn an ninh lương thực (IPC) của Liên hợp quốc, nạn đói được chia làm 5 mức. Hiện nhiều khu vực rộng lớn của Nam Sudan đã ở mức độ 4, tức "Khẩn cấp", trong khi một số vùng ở bang Unity đã lần đầu tiên ở mức độ 5, tức "Thảm họa", với 860.000 người ở trong tình trạng cực khổ.
Theo tuyên bố trên, nếu các vùng bị ảnh hưởng của Nam Sudan không được cứu trợ nhân đạo khẩn cấp, nạn đói có thể sẽ xảy ra trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2015.
Kể từ tháng 12/2013, quốc gia non trẻ nhất thế giới này đã bị tàn phá bởi nội chiến sau khi xảy ra giao tranh giữa quân đội của Tổng thống Tổng thống Salva Kiir với lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar.
Tuy đã ký thỏa thuận hòa bình ngày 27/8 với sự chứng kiến của cộng đồng châu Phi và thế giới, song các vụ đụng độ lẻ tẻ vẫn xảy ra và cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 29/8.
Theo thống kê, xung đột tai Nam Sudan đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và buộc 1,9 triệu người phải đi sơ tán./.