LHP Cannes 2018: Sự lên ngôi của điện ảnh châu Á và nữ quyền

Có tới 6 bộ phim châu Á tranh giải Cành cọ vàng và "Shoplifters" của Nhật Bản chiến thắng ngoạn mục; LHP Cannes 2018 cũng trở thành sự kiện hiếm hoi và đáng nhớ về sự lên ngôi của nữ quyền.
Đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-eda và giải thưởng danh giá Cành cọ vàng dành cho bộ phim Shoplifters tại LHP Cannes, Pháp ngày 19/5. (Nguồn: THX/TTXVN)

Sau 12 ngày ngập tràn sự lộng lẫy, hào nhoáng đan xen với tính nghiêm túc và nỗ lực tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, Liên hoan phim Cannes đã khép lại với giải thưởng Cành cọ vàng vinh danh đạo diễn kỳ cựu người Nhật Bản Hirokazu Kore-eda cùng tác phẩm "Shoplifters."

Kết quả này đánh dấu lần thứ 2 trong thế kỷ này một bộ phim châu Á giành được giải thưởng cao quý nhất tại một trong những sự kiện điện ảnh lâu đời nhất và uy tín bậc nhất thế giới.

Không nằm ngoài các dự đoán trước đó, năm nay làn sóng châu Á lên ngôi khi có tới 6 bộ phim tranh giải Cành cọ vàng.

Để giành được giải thưởng cao quý nhất, "Shoplifters" của đạo diễn Hirokazu Kore-eda đã phải vượt qua 20 đối thủ sáng giá, trong đó có các bộ phim đến từ châu Á khác như "Burning" của đạo diễn Lee Chang Dong (Hàn Quốc) hay "Ash is Purest White" của đạo diễn Giả Chương Kha (Trung Quốc).

Đây là kết quả mà ban giám khảo, với nữ diễn viên tài năng Cate Blanchett đảm nhiệm chức Chủ tịch, đưa ra sau nhiều ngày làm việc vất vả để đi đến sự thống nhất.

Là một trong các đại diện ưu tú nhất của điện ảnh Nhật Bản đương đại nói riêng và điện ảnh châu Á nói chung, Kore-eda được đánh giá là một đạo diễn tài ba, luôn phong độ ổn định và vô cùng chắc tay trong việc tạo ra những thước phim truyền tải tinh tế những thông điệp nhân văn lôi cuốn người xem.

[Phim Nhật Bản chiến thắng tại Liên hoan phim Cannes 2018]

"Shoplifters" cũng là một câu chuyện thể hiện rõ nét phong cách trên của vị đạo diễn kỳ cựu này. Tác phẩm được các nhà phê bình đánh giá cao ở tính nhân văn mà đạo diễn truyền tải qua một câu chuyện buồn và cảm động về góc khuất trong xã hội Nhật Bản với những thân phận ở tầng lớp thấp nhất.

Đó là câu chuyện nhẹ nhàng kể về gia đình người đàn ông nghèo khó Osamu mưu sinh ngày qua ngày bằng việc ăn trộm vặt. Cuộc sống nghèo khổ và giản đơn này đã bị xáo trộn khi Osamu cứu sống một bé gái bị bỏ rơi trong thời tiết mùa Đông giá lạnh và quyết định đưa cô bé về nhà nuôi.

Tuy nhiên, đây chẳng phải là ngã rẽ đạo đức hay sự cứu rỗi linh hồn gì cả, trái lại, Osamu đã "truyền nghề" cho cô bé đồng thời cũng cho em một mái ấm và tình thương gia đình bao bọc.

Không có những hình ảnh hoa mỹ và hào nhoáng, bộ phim vẽ lên một bức tranh về một khu ổ chuột nghèo khó nhưng lại tươi vui và tràn đầy tình cảm ấm áp giữa người với người, đủ sức chạm đến những trái tim cứng rắn nhất.

Có thể nói, với "Shoplifters," đạo diễn Kore-eda đã đưa lên màn ảnh rộng một thực tại phũ phàng của xã hội Nhật Bản, đó là sự tồn tại những góc khuất tồi tàn và khổ cực, nơi vẫn còn đó những thân phận nghèo khó bị lãng quên, trái ngược với hình ảnh một nước Nhật với nền kinh tế hùng mạnh, phát triển với sự bảo đảm về an sinh xã hội.

Đạo diễn Denis Villeneuve - một thành viên của ban giám khảo - đã nói rằng quyết định trao giải được cả hội đồng giám khảo thống nhất và bộ phim là "trải nghiệm cảm xúc vô cùng sâu sắc." Trong khi đó, nữ diễn viên Cate Blanchett đánh giá "Shoplifters" là một "bộ phim phi thường.”

Ngoài sự lên ngôi của điện ảnh châu Á, Liên hoan phim Cannes năm nay được đánh giá là một sự kiện hiếm hoi và đáng nhớ khi tạo nhiều dấu ấn nhằm khuyến khích sự hiện diện của nữ quyền.

Các ngôi sao và nhà sản xuất phim tham gia biểu tình đòi cải thiện bình đẳng giới trên thảm đỏ của LHP Cannes 2018 ở Cannes, miền nam Pháp ngày 12/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nổi bật nhất là sự thay đổi trong thành phần ban giám khảo khi nữ giới chiếm tới 5 trong số 9 người "cầm cân nảy mực," theo đó, ngoài nữ minh tinh của Xứ sở chuột túi Cate Blanchett đảm nhận cương vị Chủ tịch, "hội đồng chấm giải" còn có 4 phụ nữ gồm: nữ đạo diễn kiêm biên kịch người Mỹ Ava DuVernay, "bông hồng" Pháp Lea Seydoux, người đẹp Kristen Stewart và nữ ca sỹ Khadja Nin.

Điều đặc biệt là ngay tại thảm đỏ vào 12/5 vừa qua, 82 nữ ngôi sao và nhà sản xuất, đại diện cho số lượng nhỏ bé 82 bộ phim của những nữ đạo diễn từng tranh tài tại Liên hoan phim Cannes từ năm 1946 đến nay, đã bước lên bậc thang trải thảm đỏ của Palais des Festivals tại Liên hoan phim Cannes để cùng kêu gọi cải thiện bình đẳng giới trong nền công nghiệp điện ảnh.

Bên cạnh đó, chủ đề phản đối hành vi lạm dụng tình dục tiếp tục làm dậy sóng Liên hoan phim Cannes khi tại lễ trao giải ở Nhà hát Lumiere tại Palais du Festival, nữ diễn viên người Italy Asia Argento đã gây ấn tượng mạnh với phát biểu tố cáo hành vi quấy rối tình dục của nhà sản xuất phim người Mỹ Harvey Weinstein tại Liên hoan phim Cannes năm 1997 khi cô mới 21 tuổi.

[Liên hoan phim Cannes 2018: Khám phá bí ẩn về Cành cọ Vàng]

"Ông trùm" sản xuất phim Weinstein từng là nhân vật quan trọng trong suốt 20 năm qua tại Liên hoan phim Cannes. Nữ diễn viên chỉ trích lễ hội điện ảnh này là nơi "săn tìm con mồi" của Weinstein và dự đoán nhà sản xuất phim này "sẽ không bao giờ được chào đón ở đây nữa."

Sôi sục và không nao núng, Argento nói rằng trong khán phòng này còn có nhiều người phải chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái với phụ nữ. Cô tuyên bố: "Các người biết rõ mình là ai. Nhưng quan trọng hơn cả, chúng tôi biết rõ các người là ai, và chúng tôi sẽ không cho phép các người yên ổn nữa.” 

Đây được xem là khoảnh khắc mạnh mẽ thứ hai thể hiện tiếng nói của nữ giới sau sự kiện 82 nữ diễn viên, đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất phim cùng nắm tay nhau thể hiện sự đoàn kết chống bất bình đẳng giới ngay trên thảm đỏ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng giá trị của nữ quyền được khuyến khích tại Liên hoan phim Cannes năm nay vẫn chỉ dừng lại ở mức cổ vũ và phong trào.

Một nghịch lý có thể thấy tại sự kiện này là trong khi hưởng ứng phong trào "Metoo" (Tôi cũng vậy) hay "Time’s Up" phản đối lạm dụng tình dục, hình ảnh của một số nữ nghệ sỹ không có phim dự thi tạo dáng trong các trang phục "thiếu vải" phủ sóng trên truyền thông quốc tế đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận.

Nhiều người mỉa mai rằng họ đang tự biến mình thành “con mồi quyến rũ” của những gã "yêu râu xanh." Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng Ban tổ chức Cannes tự "đập đá vào chân mình" khi cổ vũ về bình đẳng giới nhưng luôn dễ dãi với hình ảnh "nhạy cảm" trên thảm đỏ.

Ngoài ra, Cannes còn đưa ra những quyết định đầy tranh cãi khi tỏ ra khoan dung với hai đạo diễn tai tiếng là Roman Polanski và Lars von Trier vốn đang vướng vào những bê bối tình dục.

Nhiều nhà phê bình phim ảnh nhận định Liên hoan phim Cannes vẫn không dám mạnh tay với hành vi xâm hại tình dục.

Dù vẫn còn một số điểm còn gây tranh cãi, song Liên hoan phim Cannes 2018 vẫn được đánh giá là một trong những Liên hoan phim thành công với nhiều sự mới mẻ và sôi động, khi những tài năng điện ảnh châu Á tiếp tục khẳng định tên tuổi, đẩy mạnh nỗ lực bình đẳng giới cũng như khuyến khích một sân chơi rộng lớn hơn cho nữ giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục