Lesotho nghi một số cảnh sát can dự âm mưu đảo chính quân sự

Lesotho nghi một số cảnh sát can dự vào âm mưu đảo chính quân sự

Cảnh sát Lesotho đang điều tra khả năng một số cảnh sát can dự vào một âm mưu đảo chính quân sự hồi cuối tháng 8 vừa qua.
Binh sỹ Lesotho rời khỏi trụ sở cơ quan cảnh sát ở Maseru ngày 30/8. (Nguồn:AFP/TTXVN)

Giới chức Lesotho ngày 29/9 cho biết cảnh sát nước này đang điều tra khả năng một số cảnh sát can dự vào một âm mưu đảo chính quân sự hồi cuối tháng 8 vừa qua.

Ít nhất 2 cảnh sát trong diện bị điều tra liên quan đến vụ việc đã khiến một cảnh sát thiệt mạng và Thủ tướng Lesotho Tom Thabane phải sang Nam Phi lánh nạn.

Sáng 30/8, binh sỹ quân đội bao vây và chiếm giữ sở chỉ huy cảnh sát quốc gia tại thủ đô Maseru, phá sóng phát thanh cũng như sóng điện thoại, đồng thời xông vào nhà riêng của ông Thabane, một bộ trưởng và một chỉ huy quân đội.

Có 1 cảnh sát thiệt mạng và 9 cảnh sát bị thương trong vụ này. Thủ tướng Thabane cáo buộc quân đội âm mưu đảo chính.

Theo Phó Chỉ huy cảnh sát quốc gia Masupha Masupha, có cáo buộc một số cảnh sát phối hợp với quân đội âm mưu tiến hành đảo chính. Động thái này cho thấy vụ việc có thể phức tạp hơn và phạm vi rộng hơn nhận định ban đầu.

Nam Phi và Namibia đã triển khai cảnh sát đến Lesotho bảo vệ Thủ tướng Thabane và một số đồng minh của ông.

Lesotho đang trong tình trạng khủng hoảng chính trị sau khi Thủ tướng Thabane hồi tháng 6 vừa qua đình chỉ hoạt động của Quốc hội nhằm tránh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do các đối tác trong chính phủ liên minh của ông thúc đẩy.

Tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) ngày 15/9 vừa qua, Cơ quan Chính trị, An ninh và Quốc phòng (Troika) thuộc SADC ra tối hậu thư yêu cầu Thủ tướng Lesotho Thabane nối lại hoạt động của Quốc hội, mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn để chấm dứt bế tắc chính trị tại nước này.

Troika cũng ủy quyền Phó Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa làm trung gian thúc đẩy đối thoại giữa các chính trị gia và các bên liên quan tại Lesotho nhằm hướng tới giải quyết các thách thức về an ninh và chính trị hiện nay.

Ông Ramaphosa đã có hai chuyến thăm Lesotho và đã gặp Quốc Vương Letsie III, các thành viên chính phủ liên minh trong đó có Thủ tướng Thabane, các đảng đối lập, Ủy ban bầu cử độc lập và các thành viên của các tổ chức phi chính phủ để tìm kiếm giải pháp cho các thách thức an ninh và chính trị Lesotho đang phải đối mặt.

Trong thông báo ngày 29/9, ông Ramaphosa cho biết sẽ đến Lesotho lần thứ 3 trong nỗ lực trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng tại vương quốc này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục