Ngày 1/9, Bộ trưởng Dịch vụ công Lesotho Motloheloa Phooko tuyên bố trở thành quyền Thủ tướng sau khi đương kim Thủ tướng Thomas Thabane tháo chạy khỏi nước này trong một cuộc đảo chính.
Phát biểu tại thủ đô Maseru, ông Phooko viện dẫn "các quy định" về việc bổ nhiệm người lên nắm tạm quyền điều hành chính phủ do cả Thủ tướng Thabane và Phó Thủ tướng Mothetjoa Metsing đều đang ở Nam Phi. Ông Phooko là thành viên của đảng Đại hội dân chủ Lesotho, một đối tác trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Thabane. Trước đó, đảng này đã bác mọi cáo buộc liên quan đến cuộc đảo chính.
Động thái trên diễn ra chỉ hai ngày sau khi Thủ tướng Thabane cáo buộc quân đội tiến hành đảo chính. Trả lời phỏng vấn báo giới tại Nam Phi ngày 31/8, ông Thabane khẳng định Lesotho đang phải chứng kiến một cuộc đảo chính vi hiến vì quân đội đã bao vây, chiếm giữ sở chỉ huy cảnh sát tại thủ đô Maseru, đồng thời cho phá sóng đài phát thanh, sóng điện thoại.
Tuy nhiên, quân đội đã lập tức bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định lực lượng này luôn tôn trọng hiến pháp và chỉ hành động để bảo vệ đất nước. Người phát ngôn quân đội cho biết toàn bộ binh sỹ đã trở về các doanh trại đóng quân.
Về lý do có mặt tại Nam Phi cùng Phó Thủ tướng Metsing, ông Thabane cho biết mục đích chuyến đi nhằm tham vấn với các đối tác về các biện pháp giải quyết khủng hoảng. Trong thời gian ở Nam Phi từ 31/8-1/9, ông Thabane được cho là đã có các cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Jacob Zuma và các quan chức của Cơ quan chính sách, quốc phòng và an ninh (Troika) thuộc Cộng đồng phát triển Nam Phi (SADC).
Trong các cuộc gặp, ông đã yêu cầu SADC cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Lesotho để hỗ trợ kiểm soát tình hình. Ông cũng tuyên bố sẽ tiếp tục điều hành đất nước trong thời gian tới.
Trước tình hình xấu đi tại Lesotho, ngày 31/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại về thông tin đảo chính. Ông hối thúc các bên liên quan kiềm chế, tránh xảy ra bạo lực và hợp tác hướng tới một giải pháp hoà bình giải quyết mọi bất đồng. Theo người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, các bên phải tôn trọng hiến pháp và tính dân chủ của một quốc gia.
Lesotho ở phía Nam châu Phi và là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Quốc gia này từng chứng kiến nhiều cuộc đảo chính kể từ khi giành được độc lập năm 1966. Kể từ sau cuộc bầu cử năm 2012, tình hình tại Lesotho có phần ổn định hơn khi 3 chính đảng lớn của nước này, trong đó có đảng Dân tộc Basotho và đảng Đại hội Dân chủ Lesotho, hợp thành liên minh.
Tuy nhiên, sự ổn định đó cũng chỉ kéo dài khoảng hai năm cho tới khi xảy ra sự kiện hôm 30/8 mà Thủ tướng Thabane cáo buộc là một cuộc đảo chính quân sự./.