Lệnh cấm bay giữa Nga và Ukraine: Đòn gió để gia tăng sức ép?

Dư luận nóng lòng theo dõi lệnh cấm bay giữa Nga và Ukraine sẽ được thực hiện thế nào hay chỉ là “đòn gió” để các bên gia tăng sức ép lẫn nhau.
Máy bay của hãng hàng không Aeroflot của Nga. (Nguồn: Airbus)

Càng gần tới thời điểm 25/10, dư luận càng nóng lòng theo dõi những diễn biến trên chính trường Nga và Ukraine để xem liệu lệnh cấm bay giữa hai bên sẽ được thực hiện như thế nào hay đó chỉ là “đòn gió” để các bên gia tăng sức ép lẫn nhau.

Có thể nói trong khoảng 3 tuần qua, Nga và Ukraine liên tục có các động thái “ăn miếng, trả miếng”. Sau khi Ukraine bất ngờ tuyên bố cấm một số hãng hàng không của Nga, trong đó có hãng Aeroflot và Transaero, bay qua không phận Ukraine từ ngày 25/10, Moskva cũng tuyên bố đóng cửa không phận với các máy bay Ukraine từ thời điểm trên.

Sự việc tiếp tục leo thang khi Kiev phản ứng trước động thái của Moskva với tuyên bố cấm tất cả các hãng hàng không Nga (không chỉ dừng lại ở một số hãng lớn như ban đầu) bay qua không phận nước này.

Rõ ràng, Ukraine đang gia tăng sức ép với Nga bằng cách “đánh” vào lĩnh vực hàng không, từ đó tác động tới nền kinh tế của Xứ Sở Bạch Dương vốn bị suy giảm trong thời gian qua do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.

Chưa biết Ukraine sẽ “gặt hái” được những gì từ động thái trên, song có một điều chắc chắn rằng chính họ cũng sẽ bị ảnh hưởng từ những biện pháp đó. Với các lệnh cấm bay “trả đũa” lẫn nhau, người dân của cả hai nước sẽ là những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng bởi khối lượng hành khách đi lại giữa hai nước bằng phương tiện máy bay là rất lớn.

Nếu được thực hiện, sau ngày 25/10, chi phí cũng như thời gian cho việc đi lại giữa hai nước sẽ gia tăng đáng kể, gây thiệt hại cho nền kinh tế của cả Nga và Ukraine. Động thái trên cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên và càng khiến cho việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên khó khăn.

Mới đây, đại diện hàng không Nga đã bày tỏ hy vọng Ukraine sẽ bãi bỏ lệnh cấm bay trên khi tình hình chính trị thay đổi. Moskva mong muốn một giải pháp thân thiện hơn từ phía Kiev bởi họ hiểu rõ những khó khăn kinh tế và chính trị của Ukraine khi cuộc khủng hoảng nợ công và khí đốt của nước này vẫn cần tới sự hỗ trợ của Nga.

Trong khi đó, ngày 25/10 cũng là thời điểm Ukraine tiến hành bầu cử địa phương. Từ nay tới đó, tại Ukraine sẽ còn diễn ra nhiều hoạt động chính trị khác. Tình thế luôn thay đổi và Nga đã chuẩn bị cho “phương án B” trong cuộc chiến "lệnh cấm bay", song dường như Moskva tin tưởng vào “phương án A” mà đại diện hàng không của họ đã nêu.

Có một thách thức muôn thủa trong mối quan hệ giữa Nga và Ukraine, đó là sự phụ thuộc lẫn nhau không thể xóa bỏ giữa hai nước láng giềng.

Về mặt địa chính trị, sự phụ thuộc này đã định hình và trở nên sâu sắc từ thời kỳ Xô Viết, phụ thuộc từ năng lượng, tài chính, thương mại, công nghiệp cho tới thị trường lao động. Chính vì vậy, mọi sự gạt bỏ lẫn nhau giữa hai bên đều là bất khả thi, mọi lệnh cấm đều gây thiệt hại cho cả hai phía và động thái “trả đũa” lẫn nhau chỉ nên dừng lại ở mức độ "đòn gió"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục