Dưới những mái nhà mộc mạc của người dân tộc Mông tại bản Tả Cổ Ván, xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, là những người phụ nữ cần mẫn bên khung dệt vải.
Những người phụ nữ tại nơi đây đã gắn bó với nghề se lanh dệt vải từ những ngày tháng còn nhỏ.
Để có được cây lanh, người dân nơi đây phải gieo hạt từ mùa xuân và thu hoạch vào ba tháng sau.
Những cây lanh óng ả sẽ được lựa chọn để mang về nhà phơi 2-3 tuần cho khô thì tước lấy vỏ, phải tước 3-4 bó to thì mới dệt được 1 mét vải.
Sau đó cho vào cối đá giã cho dập rồi mới vê nối các sợi đanh với nhau cho dài, rồi mắc chúng vào khung quay cho chúng xoắn lại thành từng cuộn rồi mới ngâm nước tro 2-3 lần.
Theo người dân, sợi lanh phải ủ nước tro thì lớp vỏ xanh bên ngoài mới bong ra, sợi lanh trắng và mềm thì mới dệt thành vải được.
Tuy nhiên, nghề dệt lanh đã dần bị mai một, chính vì vậy những người phụ nữ Tả Cổ Ván luôn trăn trở rằng làm thế nào để bảo tồn được nghề truyền thống của mình.
Dệt vải lanh tạo nên một nét đẹp đặc trưng cho vùng cao nguyên đá. Giờ đây, những chiếc ví, chiếc khăn bằng vải lanh đã là một món quà đặc sắc dành cho bạn bè và người thân mỗi dịp du khách thập phương tới thăm Hà Giang./.